Khám phá công nghệ thông minh trong nông nghiệp Việt Nam nỗ lực hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững VAA và Học viện Nông nghiệp Việt Nam hợp tác thúc đẩy ngành nông nghiệp số |
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh
Có thể kể đến Nghị định số 57/2018/NĐ-CP: Tập trung khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Chính phủ còn ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ quá trình liên kết phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy các mô hình có khả năng đảm bảo minh bạch nguồn gốc và gia tăng giá trị nông sản Việt.
Ngoài ra, hệ thống văn bản chuyên ngành, gồm Luật An toàn thực phẩm (Điều 54, 55), Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định cụ thể về truy xuất và thu hồi thực phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
![]() |
Người tiêu dùng có quyền được hiểu rõ nguồn gốc và quy trình sản xuất nông sản sạch. Ảnh: Internet |
Những chính sách này không chỉ củng cố hành lang pháp lý, mà còn là đòn bẩy chiến lược giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng xanh, sạch, minh bạch, bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường toàn cầu.
Thực tế ngành nông nghiệp những năm gần đây cho thấy, người nông dân đã thay đổi tư duy từ sản xuất theo phong trào, theo kinh nghiệm, tự phát sang tư duy "sản xuất cái thị trường cần”. Đây có thể được coi là một trong những chiến lược sản xuất dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, từ đó tạo ra giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân và định vị thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế. Định hướng này giúp tránh tình trạng dư thừa sản lượng khi được mùa, ép giá, sản phẩm không đạt chất lượng xuất khẩu, khiến nông dân đối mặt với nhiều rủi ro, thu nhập bấp bênh.
Tuy nhiên, sản xuất theo nhu cầu thị trường đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản trong nhận thức và hành động. Đó là việc đặt thị trường vào vị trí trung tâm, coi nhu cầu của người tiêu dùng là điểm xuất phát cho mọi quyết định sản xuất. Điều này bao gồm: Nghiên cứu thị trường sâu rộng: Không chỉ là thị trường nội địa mà còn là các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng, sở thích, yêu cầu về chất lượng, quy cách đóng gói, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, Organic,...).
Để làm được điều đó, người nông dân cần phải xác định sản phẩm chủ lực và tiềm năng, tập trung vào những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và có nhu cầu cao trên thị trường. Bên cạnh đó, người nông dân cần định hướng sản xuất theo quy trình chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng đồng đều, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm mà thị trường yêu cầu.
![]() |
Cam kết nguồn gốc xuất xứ của mỗi sản phẩm là trách nhiệm của người nông dân, trong lộ trình hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Cam kết minh bạch nguồn gốc nông sản
Một tiêu chí khác, người nông dân cần hành động là tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Điều này là cần thiết, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sự minh bạch và trách nhiệm xã hội, nông sản Việt buộc phải bước vào một hành trình mới, hành trình minh bạch để tạo niềm tin, khẳng định chất lượng, vị thế.
Việc truy xuất nguồn gốc giúp đáp ứng cho yêu cầu nông sản cả trong nước và quốc tế, và có khả năng tích hợp với hệ thống truy xuất quốc gia, mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường lớn có giá trị cao hơn.
Mỗi sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu từ sản xuất, đến thương lái, đóng gói, vận chuyển, siêu thị/chợ. Hành trình này là các mắt xích, các công đoạn có thể truy xuất, đồng nghĩa với việc theo dõi và nhận diện nguồn gốc của một đơn vị nông sản trong toàn bộ quá trình từ sản xuất, chế biến đến phân phối. Từ việc gieo giống, chăm sóc cây trồng, thu hoạch cho đến các bước sản xuất và phân phối,… đảm bảo người tiêu dùng được quyền nắm bắt quy trình, nguồn gốc của sản phẩm họ tiêu thụ.
Hình thức này được coi là mới ở Việt Nam, tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện việc truy xuất nguồn gốc rất minh bạch và hoàn toàn tự nguyện. Ví dụ như, ở Nhật Bản và một số nước châu Âu, các trang trại hữu cơ tổ chức tour cho học sinh đến tham quan, thu hoạch, tìm hiểu quy trình sản xuất nông sản. Một số trang trại còn ghi tên người trồng cây quả, phương pháp phương canh tác, kèm lời cam kết chất lượng.
Một bản truy xuất tốt không chỉ liệt kê tên giống, thời điểm phun thuốc hay đơn vị vận chuyển, mà còn thể hiện được cách ứng xử với đất, với nguồn nước và môi trường và con người…
Truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ nâng cao niềm tin người tiêu dùng, mà còn là công cụ chiến lược giúp Nhà nước và xã hội quản lý hiệu quả quy trình sản xuất nông sản, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hỗ trợ cơ quan quản lý trong phát hiện, xử lý vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGap và VietGAP kết hợp với quy trình truy xuất nguồn gốc nông sản giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch và cạnh tranh. Chỉ có con đường minh bạch nguồn gốc, cam kết sản xuất xanh sạch, mới là hướng đi đúng nhất cho một hành trình xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/minh-bach-nguon-goc-nong-san-de-thuc-day-phat-trien-nen-nong-nghiep-xanh-15335.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.