Khoảng 1,16 triệu thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc Có 7.210 thí sinh trên toàn quốc bỏ thi Văn, 7.341 thí sinh bỏ thi Toán trong ngày đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GDĐT chưa công bố đáp án chính thức của bất kỳ môn thi nào thuộc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo kế hoạch, đáp án chính thức (có dấu treo) của tất cả các môn thi sẽ được công bố sau ngày 5/7/2025, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Trước đó, ngày 26-27/6, khoảng 1,6 triệu học sinh trên toàn quốc đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Đề thi các môn Toán, Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 đang gây chú ý và tranh luận trong giới chuyên môn, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Có ý kiến cho rằng đề quá khó, mang tính đánh đố, nhưng có người lại ủng hộ cách ra đề mới.
![]() |
Đáp án các bài thi được Bộ GDĐT công bố sau 5/7, điểm tốt nghiệp THPT 2025 công bố vào 16/7. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 không vượt quá yêu cầu của chương trình
Trong báo cáo mới nhất hôm 1/7, Bộ GDĐT khẳng định, đề thi tốt nghiệp THPT không vượt quá yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, có tính phân hóa, từng bước đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Theo Bộ GDĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29/NQ-TW năm 2013 về việc: “Đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Đề thi gia tăng các các câu hỏi có tính phân hóa nhằm hạn chế bất cập ở những năm trước đây, khi đề thi có ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội.
Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền. Bộ từng xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, tại cả những tỉnh khó khăn nhất. Kết quả thử nghiệm đã được phân tích kỹ lưỡng bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là một trong những căn cứ quan trọng để hội đồng ra đề thi tham khảo cho việc xác định mức độ của đề thi, bảo đảm độ phân hoá và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29/NQ-TW.
Theo Bộ GDĐT, để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29/NQ-TW, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Trung ương và các thách thức đề ra đối với công tác đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi đã có nhiều sự điều chỉnh. Dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay.
Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025. Bên cạnh đó, thực hiện phân tích kết quả thi của các thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc.
Cùng đó, thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi. Theo Bộ GDĐT, đây là một trong những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Bởi ngoài việc bảo đảm công bằng trong công tác tuyển sinh, đối với việc dạy và học ở địa phương, điểm hiệu chỉnh cho phép đánh giá khách quan mức độ tiến bộ của từng môn khi so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp các môn khác nhau trong cùng địa phương.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá quá trình học của học sinh bao gồm cả kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hướng tích hợp liên môn và gắn với thực tế, giúp học sinh tiếp tục làm quen với việc đánh giá theo định hướng năng lực.
Về việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi Toán và môn thi Tiếng Anh, Bộ GDĐT cho rằng, có thể do nhiều nguyên nhân. “Tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được”, báo cáo của Bộ GDĐT nêu.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, từ 28/6, tất cả các Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh sẽ triển khai việc chấm thi, chứ không phải đợi đén 1/7 khi các tỉnh ổn định bộ máy hàng chính. Thứ trưởng nhắc đến bối cảnh đặc biệt năm 2025, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc rơi vào thời điểm “chuyển trạng thái”, tức thời điểm tổ chức thi còn là chính quyền 3 cấp, nhưng khi chấm thi đã sang chính quyền 2 cấp. “Việc chuyển trạng thái này không chỉ ở vấn đề nhân sự mà còn là sáp nhập tỉnh. Về nghiệp vụ, theo quy chế, năm nay, ở từng buổi chấm thi, Bộ yêu cầu phải có tổng hợp ngay để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường (như điểm cao nhiều, điểm thấp nhiều,...). Thủ tướng cũng đã chỉ đạo 3 'đảm bảo', 6 ‘rõ’ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền) trong nội dung triển khai. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo sâu, với tinh thần như đề môn Ngữ văn năm nay - '1 bầu trời', học sinh ở tỉnh nào thì cũng là học sinh của đất nước Việt Nam. Tinh thần rất vì học sinh; làm công khai, minh bạch, đúng quy chế thì sẽ đảm bảo độ tin cậy”, Thứ trưởng khẳng định. |