Theo Bộ Tài chính, trước đây, cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) qua dịch vụ chuyển phát nhanh căn cứ vào Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (công ước Kyoto) mà Việt Nam đã ký kết: "Luật pháp quốc gia phải quy định trị giá tối thiểu và/hoặc số thuế hải quan và thuế khác tối thiểu mà dưới mức đó không thu thuế hải quan và thuế khác".
Bối cảnh cảnh thực tế Việt Nam của giai đoạn đó cũng đặt ra các yêu cầu cần phải có các chính sách phù hợp để đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo thuận lợi cho thương mại phát triển, trong đó có hàng hóa gửi qua chuyển phát nhanh có trị giá không lớn nhưng số lượng nhiều.
Tại Tờ trình số 127/TTr-BTC nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về định mức hàng hoá gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT; không áp dụng đối với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vì những mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB là mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu (như thuốc lá, rượu, bia...).
Về mức trị giá hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế, qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì mức trị giá miễn thuế trung bình của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại thời điểm xây dựng Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg vào khoảng 130 USD.
Qua thống kê thì trị giá hàng hoá nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh vào Việt Nam tại thời điểm đó có trị giá lớn không nhiều, đa phần có trị giá vào khoảng 1 triệu đồng (chiếm 60% đến 70% tổng số lượng hàng hoá chuyển phát nhanh nhập khẩu).
Theo đó, nhằm đơn giản thủ tục hải quan và thực hiện cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 127/TTr-BTC: "áp dụng định mức miễn thuế là 1 triệu đồng (tương đương với khoảng 50 đô la Mỹ) cho phù hợp với thực tế".
Trả lời PV tại hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, trước đây, để đơn giản hóa việc quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu qua các hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới và có giá trị dưới một triệu đồng thì chúng ta quy định miễn thuế vì mức thuế nhỏ so với chi phí quản lý. Điều này cũng giúp khuyến khích việc tiêu dùng hàng giá trị nhỏ của người dân.
Tuy nhiên đến nay hoạt động mua bán qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới rất phổ biến trên thị trường, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa. Điều đáng ngại là trong khi không thu thuế với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài bán tại thị trường trong nước thì hàng trong nước sản xuất bán tại thị trường nội địa vẫn phải chịu các loại thuế. Như vậy là tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước, gây ra những hệ lụy lớn cho hoạt động sản xuất trong nước. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc thu thuế trở lại đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng là phù hợp, khi mà số lượng của các loại hàng hóa đó rất lớn trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, theo Bộ Thông tin - Truyền thông, thống kê từ tháng 1- 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Theo ông Thịnh, những hàng hóa này khi đóng thuế là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng đang được hoàn toàn miễn. "Nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn. Vì thế hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Năm 2010, bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng nay khác rồi, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó" - ông Thịnh đề xuất. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động thương mại quốc tế cũng đã có nhiều thay đổi, các nước trong EU đã xóa bỏ quy định miễn thuế GTGT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống. Vương quốc Anh (nước Anh, Scotland và Xứ Wales) cũng bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 01/01/2021. Tương tự tại Singapore, từ ngày 01/01/2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa trị giá thấp, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT. Để đảm bảo thực hành thương mại công bằng, từ ngày 01/5/2024, Thái Lan cũng sẽ thu thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị.
Ngoài ra, tại các cuộc hội thảo, chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến cáo Việt Nam cân nhắc bỏ quy định không phải nộp thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp.
Trong xu thế này, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, trong đó đã đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng (nội dung này đã được xin ý kiến các tổ chức, cá nhân theo quy định, đã được Bộ Tư pháp thẩm định và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT cần được thực hiện đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nên cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị.
Theo đó, để phù hợp với các yêu cầu mới đang đặt ra và trên cơ sở kiến nghị của một số cơ quan trong quá trình xây dựng dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà không chờ vào tiến độ của dự án xây dựng Nghị định nêu trên, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh các hoạt động TMĐT qua biên giới có xu hướng ngày càng phát triển; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp về phòng, chống gian lận thương mại, trốn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ nói riêng.
Trước đó, ngày 29/10, phát biểu giải trình tại Quốc hội về vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm đến hàng hoá nhập khẩu (NK) có trị giá thấp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế hiện nay một số quốc gia đã dần bãi bỏ thực hiện thông lệ và thực hiện thu thuế đối với hàng hóa có trị giá thấp.
Điển hình, tại EU từ 1/7/2021 thực hiện thu thuế GTGT đối với các lô hàng từ 22 Euro trở xuống. Hay tại Vương quốc Anh xoá bỏ việc miễn thuế đối với hàng hoá dưới 135 USD vào năm 2022. Còn Singapore từ ngày 1/1/2023, đất nước này bãi bỏ quy định miễn thuế hàng hoá giá trị nhỏ vận chuyển và giao dịch qua TMĐT. Trong khi đó Thái Lan đánh thuế GTGT 7% với tất cả các loại hàng hoá NK.
Vì vậy, để phù hợp với xu hướng hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Tuy nhiên cần xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện điều ước quốc tế (như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao) để xem xét trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình thực hiện Công ước Kyoto về không thu thuế hải quan và thuế khác đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu.
Ngoài ra, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại công văn số 5657/VPCP-KTTH ngày 26/7/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định TMĐT, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quý 4/2024. Theo đó, các đơn vị tham mưu chính sách của Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát lại quy định về miễn thuế đối với hàng hóa XNK giao dịch qua TMĐT vừa đảm bảo công tác quản lý hải quan vừa tránh thất thu ngân sách.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK giao dịch qua TMĐT, Bộ Tài chính với tư cách là đơn vị chủ trì xây dựng sẽ đánh giá tác động của TMĐT đối với nền kinh tế nói chung và sản xuất trong nước nói riêng để đảm bảo hiệu quả của công tác thu thuế đối với những nội dung quy định về miễn thuế, thu thuế tại dự thảo Nghị định.
Ngoài ra, cần phải có đánh giá tổng thể liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có Bộ Công Thương đã được giao chủ trì quản lý về TMĐT cũng như phòng vệ thương mại và bảo hộ thị trường trong nước.