Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, ngày 29 – 30/12/2020, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn đầu tư và quản lý V-startup đã phối hợp tổ chức hội nghị “Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia (Ehealth Vietnam Summit)” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Chương trình thu hút khoảng hơn 1000 đại biểu tham dự, trong đó có sự góp mặt của các lãnh đạo cấp cao: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng,… cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các đơn vị bệnh viện lớn trên toàn quốc.
“Năm 2020, thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, nhưng ngành y tế vẫn nỗ lực thực hiện lộ trình chuyển đổi số với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn. Trong lĩnh vực hành chính, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Về lĩnh vực công khai y tế, bước đầu Bộ công khai trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế. trong thời gian qua, 10 bệnh viện đã bắt đầu bỏ bệnh án giấy, thay bằng bệnh án điện tử, nhiều cơ sở y tế sử dụng robot trong phẫu thuật, sử dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, điều trị Covid-19”, ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết. Với những thành quả này ngành Y tế Việt Nam được ghi nhận là Điểm sáng Việt Nam 2020. Đây cũng là điểm nhấn trong chương trình hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia.
Ông Long chia sẻ thêm, trong đại dịch Covid-19, chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và hiện số lượng bệnh viện tham gia mạng lưới này vượt trên 1.500 cơ sở, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến dưới. Đến tháng 7/2021, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bỏ hoàn toàn giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán Bảo hiểm y tế. Do đó, mục tiêu chuyển đổi số y tế đến 2025 là 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân.
“Dù là Bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn Chính phủ giao nhưng chúng tôi không vì thế mà hài lòng. Tới đây, Bộ Y tế cam kết cắt giảm tiếp 30% thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao hoạt động của Bộ Y tế đã tiên phong đi đầu về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế xã hội vừa phòng chống dịch. Trong năm 2020, Bộ Y tế tích cực triển khai văn bản điện tử, số lượng gấp 1,5 lần so với năm trước với trên 55.000 văn bản; trên 95% văn bản có chữ ký số; cập nhật 5/5 chỉ tiêu trên hệ thống báo cáo.
Ông Dũng chia sẻ thêm, chuyển đổi số muốn triển khai tốt cần xử lý tốt 3 mối quan hệ: trong nội bộ cơ quan nhà nước; giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; chuyển đổi số trong đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ công.
Nhìn nhận những vấn đề trọng điểm năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Đại dịch Covid-19 chính là “cú huých trăm năm”, nhất là đối với ngành y tế. Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực đầu tiên được ưu tiên chuyển đổi số do liên quan đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất. Đây cũng là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Với lực lượng gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, Việt Nam sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế.
Phát biểu chỉ đạo kết thúc chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ – ông Vũ Đức Đam chia sẻ: “Có nhiều ý kiến khác nhau về làm thế nào để tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhưng chắc chắn một điều để tận dụng được thì chúng ta phải quyết tâm thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin trong tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống”.
Ông Vũ Đức Đam nhận định, ngành Y tế nói chung và việc chuyển đổi số ngành Y tế nói riêng để thực hiện tốt ngoài xác định mục tiêu thông tin và nỗ lực của những người làm công nghệ thì rất cần đến hành lang pháp lý của nhà nước. Và trước những sự đổi mới đột phá, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng ngành Y tế sẽ làm tốt và mở rộng nhiều hệ thống tích hợp của ngành, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra.
Nhằm ghi lại dấu ấn với nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp ngành y tế trong công tác chuyển đổi số năm 2020, trong khuôn khổ chương trình, Bộ Y tế đã vinh danh 9 đơn vị tiêu biểu trong chuyển đổi số y tế và 24 đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số.
Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia sẽ là hoạt động thường niên gồm diễn đàn cấp cao, chuỗi hội nghị và triển lãm, với sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, Bộ y tế và các bộ ngành liên quan, 63 tỉnh thành phố, các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị y tế trên cả nước. Chương trình cũng thu hút sự tham gia của các tập đoàn công nghệ, các đơn vị đầu tư trong nước, quốc tế và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang mong muốn tham gia trong chuyển đổi số y tế Quốc gia. Đây được xem như một sự kiện đưa ra kiến trúc tổng thể đối với ngành y tế và là cơ sở của y tế điện tử.
Thu Trang