Đối với nhiều bạn sinh viên ngành Điện, Tự động hóa hoặc các ngành liên quan, khi mới ra trường muốn tham gia vào lĩnh vực tự động hóa công nghiệp, các bạn thường sẽ không biết mình sẽ làm gì, ở đâu và làm như thế nào. Bài viết này, sẽ phác thảo tạm ra con đường cho các bạn làm trong ngành tự động để hiểu rõ hơn về ngành, cũng như vai trò và trách nhiệm của từng vị trí trong toàn ngành.
• Cách viết chương trình PLC dành cho người mới bắt đầu
• Cơ hội cho nhân lực Tự động hóa cao nhưng không dành cho người “học gạo” và thiếu cập nhật công nghệ
• 3 lý do ngành công nghiệp tự động hóa cần kỹ sư phần mềm điều khiển
Phân biệt các loại công ty có thuê nhân lực về tự động hóa
Khi các bạn mới tham gia vào ngành, thường các cụm từ chỉ về các công ty cần nhân lực tự động hóa nghe sẽ rất khó hiểu. Về bản chất, sẽ tồn tại 5 nhóm chính:
Đối với mỗi nhóm công ty, vai trò và các vị trí công việc cho người làm về mảng tự động hóa sẽ khác nhau một chút.
Người dùng cuối – End-user
Điểm bắt đầu tại End-User thường là kỹ thuật viên hoặc kỹ sư tự động, tuy công ty có thể có thêm vị trí kỹ sư bảo trì và kỹ sư dự án (mảng tự động hóa). Các vị trí này theo thâm niên sẽ được lên bậc cao hơn, nhận nhiều trách nhiệm hơn. Thường với các bạn kỹ thuật viên, bạn sẽ không cần phải quản lý ai cả. Nhưng nếu là kỹ sư thì bạn sẽ phải quản lý một Team kỹ thuật viên để thực hiện công việc cho bạn.
Trong nhà máy, công việc thường sẽ rất đa dạng vì có sự cố thì phải sửa chữa, bảo trì và nâng cấp được, đảm bảo sản xuất hoạt động liên tục. Vì thế, công việc có tính lặp lại, cũng như quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một vài hệ thống đến vậy. Tuy nhiên, lúc có sự cố xảy ra hoặc có dự án nâng cấp nhỏ là cơ hội rất lớn để bổ sung kiến thức. Nhiều bạn không muốn chuyên sâu vào tự động hóa mà muốn đi sang quản lý nhiều hơn thì các vị trí kỹ sư dự án và kỹ sư bảo trì sẽ rất phù hợp.
Thường với ngạch kỹ thuật viên, khoảng 2-4 năm sẽ có thể lên bậc thành kỹ thuật viên lâu năm, có thể tự làm được các công việc mà không cần chỉ bảo, và trên 5 năm thường sẽ có thể chỉ đạo các hoạt động bảo trì với vai trò kỹ thuật viên chính. Các bạn có năng lực lãnh đạo cũng như có khả năng phát triển tốt cũng rất dễ để được thăng tiến qua vị trí kỹ sư.
Bên ngạch kỹ sư thì thường sau 2 năm có thể tự làm và đứng đầu một team nhỏ, sau 5 năm là có thể tự đưa ra được các định hướng làm việc cho team và giải quyết các bài toán phức tạp. Thường ở tầm 10-15 năm, bạn có thể lên tới quản lý bộ phận, và có thể ngắm tới vị trí trưởng phòng kỹ thuật. Nếu không muốn theo hướng quản lý bộ phận, một số công ty có vị trí kỹ sư tập đoàn (Corporate engineer) để lo các chiến lược phát triển và triển khai dự án theo yêu cầu của tập đoàn.
Làm việc tại các dự án lớn với vai trò thiết kế hoặc tổng thầu
Khi muốn triển khai dự án lớn việc đầu tiên là cần tư vấn thiết kế.
Ở đội tư vấn thiết kế bạn chỉ cần tập trung vào giấy tờ: đưa ra tiêu chuẩn thiết kế, chuẩn bị quy trình hệ thống, lựa chọn thiết bị, đánh giá kỹ thuật hồ sơ thầu, tính toán tải hệ thống để đảm bảo hoạt động ổn định.
Nghề này yêu cầu rất nhiều kinh nghiệm. Số lượng dự án từng làm, loại dự án từng làm sẽ quyết định việc bạn ở đâu trong lĩnh vực này. Cũng vì thế nên vài dự án đầu sẽ thấy bỡ ngỡ và thích thú, chứ về sau sẽ thấy việc này có sự lặp đi lặp lại, cần sự cẩn thận và tỉ mỉ cao. Tuy nhiên, đây là một trong số ít các công việc có tính chất bàn giấy cao cho kỹ sư tự động. Là người có 5 năm làm tư vấn thiết kế, mình không cần động vào cọng dây nào cả.
Với tư vấn thiết kế, có 2 điểm vào cho kỹ sư mới là draftman (kỹ thuật viên đồ họa) hoặc kỹ sư thiết kế mới. Kỹ thuật viên đồ họa chỉ tập trung vào việc vẽ dựa trên các thiết kế của kỹ sư, vẽ đủ thứ từ 2D tới 3D, và không cần phải nắm quá rõ về mặt kỹ thuật. Kỹ sư thì cần phải vẽ được một chút, nhưng phải nắm rõ về mặt kỹ thuật và học rất nhanh để bắt kịp quy trình dự án. Thường khoảng 5-8 năm, trong tay cỡ 20 dự án thì có thể được thăng cấp lên kỹ sư lâu năm (senior engineer), 10-15 thì có thể là lead engineer/principal engineer. Xa hơn thì consultant và senior consultant. Lương của nghề này ăn theo kinh nghiệm và tầm dự án đang làm.
Thiết kế xong thì sẽ cần được thi công, lắp đặt và chạy thử. Việc này sẽ nằm ở bên xây lắp. Mảng xây lắp cũng có các kỹ sư tự động cho việc lắp thiết bị lên theo các bản vẽ lắp đặt chi tiết, kiểm tra kết nối dây, lên phương án thi công và lắp đặt. Lắp xong thì sẽ cần được chuyên viên chất lượng kiểm tra. Cuối cùng, sau khi lắp đặt xong hết sẽ được chạy và test thử bởi kỹ sư chuyên cho chạy thử. Do yêu cầu đặc thù chuyên môn về tự động hóa nên các vị trí này cũng yêu cầu kinh nghiệm thực chiến trên công trường để đảm bảo thi công đúng. Công việc này cũng sẽ rất cực vì phải làm việc trong môi trường xây dựng. Tuy nhiên, thường sẽ có đãi ngộ xứng đáng theo công trình thực hiện nên bạn sẽ không hải lăn tăn.
Điểm đầu vào thường sẽ có kỹ thuật viên cho việc thi công, và với kỹ sư là kỹ sư công trường.
Nhà tích hợp hệ thống
Các nhà tích hợp hệ thống làm với đa dạng khách hàng, thi công nhiều loại công trình khách nhau với nhiều hạng mục khác nhau. Ở nhà tích hợp bạn sẽ phải làm và hiểu toàn bộ hệ thống, xây dựng từ không có gì tới một hệ thống hoàn chỉnh, cho nhiều hạng mục khách hàng khác nhau. Với tác giả bài viết thấy ở nhà tích hợp sẽ là điểm phù hợp cho các bạn thích mày mò tìm tòi nhất, vì công việc và hạng mục sẽ thay đổi tùy theo dự án.
Thường thì bên nhà tích hợp sẽ tuyển kỹ sư tự động để thiết kế hệ thống chương trình PLC, tủ bảng cho hệ thống PLC, màn hình HMI và SCADA. Ngoài ra thì cũng sẽ tuyển kỹ sư MEP/thiết kế để có thể thiết kế và thi công ngoài công trường thực tế. Một số nhà tích hợp thiên về mặt phần mềm thì sẽ có thêm các vị trí kỹ sư phần mềm để tích hợp toàn bộ hệ thống IT/OT vào nhau một cách hoàn hảo nhất. Ngoài ra thì còn có các vị trí về kỹ sư bán hàng để đi tìm dự án về cho các nhà tích hợp. Các vị trí này đều có các bước thăng tiến gần gần như với các nhóm khác, với khoảng 5-8 năm để lên tới vị trí senior/trưởng nhóm, và sau đó khoảng 10-15 năm là lên vị trí quản lý tổng thể dự án (project manager).
Các vị trí của nhà tích hợp có một đặc điểm chung là đi săn dự án, vì thế việc phải di chuyển xa nhà và liên tục là chuyện bắt buộc theo dự án, với thời lượng đi là khoảng 60-70%. Với các bạn trẻ, nếu tìm được vị trí ở các nhà tích hợp nên vào vì đây là vị trí sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm thực chiến với nhiều lĩnh vực khác nhau nhất.
Nhà chế tạo thiết bị gốc
Nhà chế tạo thiết bị gốc thì thường hơi khác một chút so với nhà tích hợp, vì họ có sẵn một dải sản phẩm nhất định đã được thiết kế trước. Vai trò của kỹ sư tự động trong nhà tích hợp sẽ thường đi nhiều hơn vào việc thực hiện giải pháp theo yêu cầu của khách hàng, và phát triển sản phẩm mới cho công ty. Nhà chế tạo cũng có các vị trí kỹ sư phần mềm và bán hàng tương tự như nhà tích hợp, nhưng tập trung nhiều vào sản phẩm của công ty mình có sẵn hơn là làm hoàn toàn theo ý khách hàng. Bên phía nhà chế tạo máy có thêm vị trí kỹ sư dịch vụ – services engineer, làm đủ thứ việc để hỗ trợ khách hàng từ lắp máy tới bảo trì sửa chữa.
Do đặc thù của nhà chế tạo thiết bị, máy ở đâu là người ở đó, nên thường công việc sẽ tập trung quanh xưởng của công ty, với khoảng 20-30% di chuyển ngắn tới khách hàng. Riêng kỹ sư dịch vụ thì 80-90% là di chuyển tới vị trí của khách hàng.
Hi vọng, tác giả với tư cách là một người từng làm trong lĩnh vực EpC, lĩnh vực chế tạo sẽ giúp làm rõ được về các nhóm công việc trong ngành tự động hóa.
Hoàng Kim Hùng – Sales Account Manager
Rockwell Automation Việt Nam