Cuộc chiến giữa hai nước sẽ ảnh hưởng không nhỏ nhiều thị trường trên toàn cầu. Tình trạng thiếu chip bán dẫn được các tập đoàn công nghệ chip dự đoán trước.
• Mỹ tung lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực công nghệ của Nga
Các hoạt động quân sự của Nga tại miền đông Ukraine gây nên cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phiếu của các công ty công nghệ, dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu chip bán dẫn đã diễn ra suốt một năm qua.
Ngành công nghiệp ô tô, từ lâu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới, là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên bởi sự gián đoạn mới do xung đột Nga – Ukraine. Leoni AG, công ty sản xuất hệ thống dây điện ở Ukraine và xuất khẩu cho nhiều hãng ô tô châu Âu, tuần trước đã đóng cửa hai nhà máy tại Ukraine và cho gần 7.000 nhân viên nghỉ việc tạm thời.
Theo hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, Ukraine là nhà cung cấp lớn của nhiều loại khí quan trọng với hoạt động sản xuất bán dẫn như neon, argon, krypton và xenon. Nước này hiện chiếm gần 70% sản lượng khí neon toàn cầu.
“Ngành công nghiệp chip Mỹ phụ thuộc lớn vào neon nhập khẩu từ Ukraine. Còn Nga cũng xuất khẩu nhiều nguyên tố hóa học quan trọng với hoạt động sản xuất bán dẫn, động cơ máy bay, ô tô và dược phẩm”, ông Per Hong của hãng tư vấn Kearney cho biết.
Hơn 90% đèn neon bán dẫn được cung cấp cho Mỹ đều đến từ Ukraine, đây là thành phần rất quan trọng trong việc sản xuất chip. Nhà Trắng từng đưa ra cảnh báo, Mỹ cần đa dạng chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chip để đề phòng các trường hợp xấu có thể xảy ra.
Xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine cũng có thể ảnh hưởng tới ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng ngược lại. Chính phủ Nhật Bản hôm 25/2 tuyên bố sẽ áp lệnh cấm vận với chất bán dẫn và sản phẩm sử dụng vì mục đích chung khác xuất khẩu sang Nga để phản ứng lại động thái quân sự của Moscow nhằm vào Ukraine. Cùng ngày, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) – hai nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, cũng cho biết sẽ đưa ra lệnh trừng phạt với Nga.
Trong ngành công nghệ chip Nhật Bản, có nguồn tin cho hay: “Những vật liệu trên vốn đã có giá cao vì khan hiếm, do đó mọi áp lực đối với nguồn cung đều có thể khiến cho giá chip cao đột biến”.
Sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014, giá đèn neon tăng mạnh khi các công ty mở rộng nguồn cung để không phụ thuộc vào Nga và Ukraine. Việc mở rộng chuỗi cung ứng phần nào giúp các nhà sản xuất chip tự tin hơn về chuỗi cung ứng của mình.
Nguyễn Khuê