Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Trợ lý ảo của tổ chức, đơn vị được “dạy dỗ” bởi những người tinh hoa nhất của tổ chức để những người bình thường của tổ chức được hưởng tri thức ấy. Điều này là quan trọng”.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước thuộc Bộ TT&TT ngày 3/6/2024, sau khi lắng nghe việc triển khai trợ lý ảo tại một số đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung triển khai để hỗ trợ thiết thực cho công việc hàng ngày của các cán bộ.
Theo Bộ trưởng, trợ lý ảo thực sự chỉ có giá trị khi mà những người bình thường cũng tham gia vào quá trình hình thành trợ lý ảo.
Thời chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng tạo ra công nghệ, ứng dụng hoàn thiện công nghệ. Phần mềm CĐS thì dựa vào dữ liệu. Dữ liệu là đầu vào quan trọng nhất của phần mềm CĐS. Càng nhiều dữ liệu thì phần mềm CĐS càng thông minh mà dữ liệu chỉ sinh ra khi có người dùng, dữ liệu chỉ sinh ra khi ứng dụng và vì thế ứng dụng quyết định sự hoàn thiện của công nghệ.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhấn mạnh một số nhận thức quan trọng trong thời kỳ chuyển đổi số như:
Đầu tiên, lưu ý nguyên tắc Pareto, còn được gọi nguyên tắc 80/20, theo đó, 20% những việc mới, lớn, khó, nhạy cảm thì người đứng đầu các đơn vị phải làm trực tiếp, làm kỹ với yêu cầu cao. Còn 80% các việc thường xuyên giao cấp phó, cấp dưới làm, chịu trách nhiệm. Tổ chức muốn bền vững thì nền tảng phải bền vững.
Một tổ chức muốn phát triển thì người đứng đầu phải có thời gian tư duy tương lai, tư duy về hoàn thiện hệ thống, không sa đà vào vụ việc.
Bộ trưởng cho rằng cần phải dành thời gian đọc sách. Nếu không đọc thì không có ai dẫn lối. Cán bộ làm nhiều việc hơn và như thế vững hơn và mạnh hơn được. Làm việc ở đây là kết thúc việc, chịu trách nhiệm chính với việc ấy.
Thứ hai, cần thay đổi cách làm việc kiểu truyền thống đi theo trình tự từ dưới lên. Như vậy, cấp dưới ít được làm việc, ít có cơ hội trao đổi với cấp lãnh đạo cao nhất để học hỏi, trong khi đó, lãnh đạo cấp cao cũng không có cơ hội để nhìn thấy và biết được công việc của cán bộ cấp dưới.
“Bây giờ phải thay đổi cách làm, cụ thể là mỗi việc lớn, mỗi đề án lập một nhóm công tác. Ai chịu trách nhiệm về đề án thì làm trưởng nhóm, mời thêm Bộ trưởng, Thứ trưởng vào trong nhóm này. Nhóm hoạt động theo cơ chế tư vấn, thảo luận, không có cấp trên, cấp dưới, chỉ có trưởng nhóm là người điều hành, thảo luận. Sau khi đã thảo luận, tư vấn thì báo cáo các cấp theo trình tự, thủ tục theo quy định”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhật Khang