Digital Hub được định nghĩa là tổ hợp các trung tâm lưu trữ dữ liệu, hạ tầng đám mây và trao đổi lưu lượng truy cập Internet của những nhà phát triển siêu cấp, viễn thông toàn cầu, công nghệ thông tin, nội dung số, cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng khắp các quốc gia và khu vực lân cận.
Để Việt Nam trở thành Digital Hub, Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho rằng ngoài vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy và giá cả phải chăng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, còn cần phải đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân hoàn thiện, sự sẵn sàng và tiềm năng phát triển nền kinh tế Internet, sự liên kết, hợp tác quốc tế.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có các lợi thế về địa lý để trở thành Digital Hub khu vực, đó là: nằm giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, gần các trung tâm phát triển lớn và năng động trong khu vực và trên thế giới, nơi có nhiều nền kinh tế đóng vai trò là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới; nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á do Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc khởi xướng nhằm nối liền tuyến đường cao tốc châu Á, phát triển giao thương đường bộ giữa các nước khu vực châu Á và châu Âu.
Việt Nam cũng nằm trên trục chính của Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng lớn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp. Với bờ biển dài, có nhiều khu vực thích hợp xây dựng cảng biển, trong đó có nhiều cảng nước sâu, Việt Nam đóng một vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực…
Cùng với đó, Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên số khổng lồ và quý giá, đó chính là nguồn nhân lực với tệp dân số trẻ, đam mê toán học và trình độ lập trình cao. Digital Hub không chỉ có các kết nối Internet mà còn đi kèm cả một hệ sinh thái gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, công nghệ, nhân lực….
Cơ hội để Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực còn được thể hiện qua số lượng người dùng Internet và đặc biệt là lưu lượng dữ liệu đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam. Theo số liệu thống kê, hiện tại Việt Nam có khoảng hơn 72 triệu người dùng Internet, đây luôn được xem là thị trường tiềm năng và cơ hội cho bất kỳ công ty dịch vụ số nào trên toàn cầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lên dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch nêu yêu cầu phát triển đến năm 2025, sẽ có khoảng 70% dịch vụ Trung tâm dữ liệu chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Hình thành từ 3- 6 trung tâm dữ liệu quốc gia dự phòng lẫn nhau phục vụ lưu trữ, xử lý và dự phòng dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương.
Các Trung tâm dữ liệu của Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ ra quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ thu hút các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia đầu tư tối thiểu 1 trung tâm dữ liệu quốc tế ưu tiên đặt tại các Trung tâm tài chính của Việt Nam…
Đến năm 2030, dự thảo quy hoạch đề cập tới việc thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, yêu cầu đến năm 2030, Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực.
Đ.P