Báo lãi quý 1/2025 cao kỷ lục
CTCP Chứng khoán MB (mã MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với nhiều điểm nổi bật. Doanh thu hoạt động trong quý I/2025 của MBS đạt 668,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước (673,6 tỷ đồng). Chiếm phần lớn là khoản lãi từ hoạt động cho vay margin (277 tỷ đồng), doanh thu môi giới (133 tỷ đồng) cùng lãi từ các tài sản tài chính FVTPL (126,6 tỷ đồng).
Dù doanh thu chững lại, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 269 tỷ đồng cao kỷ lục, tương đương tăng 47% nhờ tiết giảm chi phí.
![]() |
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2025 của MBS |
Trong quý I/2025, tổng chi phí hoạt động của MBS là 107,7 tỷ đồng, giảm mạnh 59% so với cùng kỳ năm trước (262,7 tỷ đồng).
Phần lớn mức giảm này đến từ nhóm chi phí liên quan đến tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL). Cụ thể, lỗ từ bán tài sản tài chính FVTPL giảm từ 101,4 tỷ xuống còn 26,1 tỷ đồng. Chi phí chênh lệch giảm đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL giảm còn một nửa, từ 56,9 tỷ xuống 26,6 tỷ đồng. Điều này phản ánh việc danh mục đầu tư của MBS đã ít biến động tiêu cực hơn so với cùng kỳ, giúp giảm thiểu rủi ro.
Đáng chú ý, khoản hoàn nhập chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất hơn 77 tỷ đồng cũng góp phần đưa chi phí của MBS giảm mạnh.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của MBS ghi nhận ở mức 22.409 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán đạt 11.442 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ so với đầu quý, lập kỷ lục mới về quy mô cho vay trong lịch sử hoạt động của công ty.
MBS cũng gia tăng quy mô danh mục tài sản FVTPL trong quý 1, từ 1.973 tỷ đồng lên 2.564 tỷ đồng (tăng 30%). Ngược lại, tài sản AFS giảm từ 2.706 tỷ đồng về còn 1.529 tỷ đồng (giảm 43%).
Danh mục tài sản FVTPL tăng chủ yếu đến từ việc Công ty gia tăng quy mô cổ phiếu và giấy tờ có giá. Trong đó, số dư cổ phiếu gấp 2.7 lần đầu năm lên 447 tỷ đồng. Giấy tờ có giá tăng 55% lên 1.162 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2025 của MBS |
Cuối quý I/2025, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của MBS ở mức 13.112 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 13.070 tỷ đồng hồi cuối năm 2024, tương đương mức tăng khoảng 42,9 tỷ đồng. Phải trả hoạt động giao dịch chứng khoán khoảng 20,7 tỷ đồng, tương đối ổn định so với cuối năm 2024.
Lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 6.700 tỷ đồng
Ngày 15/04/2025 tại Hà Nội, Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) được tổ chức với sự tham dự của các cổ đông nắm giữ cổ phần đạt 81% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
![]() |
Đoàn Chủ tịch Đại hội đồng Cổ đông MBS 2025 (Ảnh: MBS) |
Theo biên bản họp đại hội cổ đông thường niên của MBS, năm 2024, thị phần kinh doanh số đạt 1,43% (tăng trưởng 28% so với 2023); Dư nợ bình quân đạt 1.362 tỷ (tăng trưởng 167% so với 2023). Doanh thu đạt 277 tỷ (tăng trưởng 77% so với 2023).
Lợi nhuận đạt 75 tỷ (tăng trưởng 25% so với 2023). Số lượng khách hàng active đạt 58.000 khách hàng (tăng trưởng 25% so với 2023). Năng suất lao động tăng 26% so với năm 2023.
Định hướng năm 2025, thị phần 2,2%, dư nợ 2.300 tỷ, số lượng khách hàng active 145.000 khách hàng. Doanh thu 145 tỷ, lợi nhuận trước thuế 125 tỷ.
![]() |
Nguồn: Trích biên bản họp đại hội cổ đông thường niên của MBS 2025 |
Năm 2025, MBS đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng, tăng 108% so với 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 40% so với 2024, là mức tăng cao nhất trong các CTCK tính đến thời điểm hiện tại. Tổng tài sản phấn đấu đạt mốc 1 tỷ USD, đồng thời thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để tăng lên 6.673 tỷ đồng.