Cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh việc ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.
Việc ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.
Dự án luật đã bổ sung quy định chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này; hoạt động báo chí khác (ngoài báo in).
Bên cạnh đó, một trong những điểm đáng chú ý dự án luật bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam; cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới.
"Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%"
Ngày 22/11, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) đồng tình với quan điểm cần quan tâm có thêm những chính sách ưu đãi về thuế, nhất là đối với những ngành mới, ngành mang tính chất động lực tăng trưởng, như lĩnh vực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) nêu ý kiến thảo luận tại tổ 2. |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị có thêm những chính sách ưu đãi về thuế nhiều hơn đối với lĩnh vực văn hóa và báo chí, bởi đây là những lĩnh vực rất quan trọng.
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận thấy, dự thảo Luật quy định thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in thuộc ngành nghề quy định được đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, nhưng thu nhập của cơ quan báo chí không từ hoạt động báo in thì lại đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 15%.
"Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói, đồng thời đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn.
Theo đại biểu, trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam được Đảng và Nhà nước xem như phương tiện, vũ khí rất quan trọng trong tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay. Từ đó giúp báo chí có điều kiện đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn. |
Trong thời bình, vai trò của báo chí cũng hết sức quan trọng, góp phần đấu tranh với các thông tin xấu độc, phản động, chống phá Nhà nước. Báo chí cũng góp phần đưa ra những mô hình hay, thông tin tích cực và góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Với những quan điểm như vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay. Từ đó giúp báo chí có điều kiện đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn.
Bởi nguồn thu của các cơ quan báo chí đang có sụt giảm sâu trong những năm vừa qua, quảng cáo giảm mà phải tăng đầu tư thiết bị hiện đại hơn trong thời buổi xã hội số.
Về vấn đề trên, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (tỉnh Phú Yên) cũng nêu ý kiến đề nghị giảm thuế với báo chí về cùng mức 10%, do đây không phải lĩnh vực kinh doanh, mà phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp.
"Tách báo in 10%, các báo chí khác 15% là chưa hợp lý, vì thu và phát hành báo in hiện nay rất thấp. Hiện hầu như không còn sạp báo tại Hà Nội, TPHCM. Tất cả đã chuyển sang các nền tảng khác, như báo điện tử, kể cả truyền hình cũng chuyển sang nền tảng số như xem trên Youtube… Chuyển đổi số của cơ quan báo đang diễn ra quyết liệt, muốn chuyển đổi số cần đầu tư nguồn lực, con người, công nghệ lớn, cách thức chuyển đổi làm báo. Nên ưu đãi thuế 10% không có nhiều ý nghĩa", đại biểu đoàn Phú Yên nêu ý kiến.
Theo đại biểu, cần có ưu đãi trên chính nguồn thu của cơ quan báo chí. Khi có bạn đọc, có công chúng thì báo chí mới có nguồn thu. Ưu đãi này sẽ khuyến khích báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị. Chi phí chuyển đổi số trong báo chí đang rất lớn, hỗ trợ này giúp họ có thêm nguồn lực, cạnh tranh.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Ảnh: NLĐ |
Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đề xuất bổ sung thêm ưu đãi tính thuế cho toàn ngành báo chí, không chỉ riêng báo in. Thực tế, tại TP HCM có một số cơ quan báo chí như Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Người Lao Động, Báo Tuổi trẻ, Báo Phụ nữ TP HCM đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm cả ưu đãi vay vốn để phát triển hạ tầng, xây dựng các tòa nhà cao tầng.
Theo bà Trần Thị Diệu Thuý, các tòa nhà này không chỉ được sử dụng để phục vụ hoạt động báo chí như vận hành báo in, mà còn cho thuê để tạo nguồn thu bù đắp chi phí vận hành. Sau đó, các cơ quan báo chí sẽ sử dụng phần đó để phục vụ cho báo in, vận hành tòa soạn.
Chính những hoạt động này giúp có nguồn thu quay trở lại để đảm bảo chi phí hoạt động cho tờ báo trong bối cảnh quảng cáo, phát hành báo in giảm sút, quảng cáo báo điện tử cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội.
Tuy nhiên theo đại biểu Trần Thị Diệu Thuý, cách tính thuế của các cơ quan thuế đối với việc quản lý tòa nhà lại phân ra phần nào trong tòa nhà phục vụ cho báo chí thì được ưu đãi, còn với những phần cho thuê tòa nhà sẽ bị tính theo quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường.
Vì vậy, bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị ban soạn thảo xem xét, có quy định để hưởng ưu đãi thuế với tất cả các hoạt động liên quan đến vận hành tòa nhà của các cơ quan báo chí, kể cả phần cho thuê, như một phần trong tổng thể hoạt động của báo chí.
Theo đại biểu, đây là giải pháp thiết thực để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Hồng Minh (tổng hợp)