Báo lãi lớn trong quý III, Tập đoàn Hà Đô vẫn khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2024
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cho thấy, doanh thu thuần đạt gần 567 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng mạnh 60% đạt gần 17 tỷ đồng.
Trong quý III/2024, chi phí tài chính giảm 20% còn 102 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí lãi vay giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 119% lên 41,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng không có sự biến động lớn, ghi nhận 1,6 tỷ đồng.
Kết quả, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận gần 182 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng mạnh 83% so với cùng kỳ. Tập đoàn lý giải rằng, mảng năng lượng – bao gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió tăng trưởng mạnh là yếu tố quan trọng giúp cải thiện doanh thu.
Nguồn: Báo cáo tài chính Hợp nhất quý 3 năm 2024 tại Hà Đô. |
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hà Đô đạt gần 1.965 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3% nhưng lãi sau thuế đạt gần 545 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Trong đó, mảng năng lượng tiếp tục là động lực chính, mang về hơn 1.206 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu mảng kinh doanh bất động sản đóng góp gần 399 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ nhưng không thay đổi so với quý II/2024. Như vậy, riêng quý III/2024, Tập đoàn Hà Đô không ghi nhận doanh thu từ bất động sản.
Năm nay, tập đoàn này dự kiến doanh thu bất động sản đạt 1.000 tỷ đồng (gấp 3,5 lần năm 2023), chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu từ dự án Hado Charm Villas – giai đoạn 3. Tuy nhiên, trong quý III, Hà Đô chưa mở bán các sản phẩm còn lại của dự án Hado Charm Villas, nên không ghi nhận doanh thu từ bất động sản.
Nguồn: Báo cáo tài chính Hợp nhất quý 3 năm 2024 tại Hà Đô. |
Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 2.896 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Tập đoàn Hà Đô chưa đạt kỳ vọng khi doanh thu thuần giảm còn 1.397 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm còn 363 tỷ đồng, cộng thêm kết quả kinh doanh quý III/2024. Như vậy, sau 3 quý, Hà Đô mới chỉ hoàn thành 67,8% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
"Của để dành" của Hà Đô giảm mạnh, còn hơn 21 tỷ đồng
Cũng theo báo cáo tài chính, tính đến 30/9/2024, tổng tài sản tại Hà Đô đạt 13.958 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt hơn 288,7 tỷ đồng, tăng gần 18% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 18% còn 1.303 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 8% còn 880 tỷ đồng. Đáng chú ý, Hà Đô hiện đầu tư hơn 583,7 tỷ đồng vào chứng khoán, tăng 51% và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn đạt 153 tỷ đồng, gấp 25 lần so với đầu năm.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại cuối quý III đạt hơn 810 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các dự án như Khu đô thị Linh Trung (hơn 490 tỷ đồng) và Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (hơn 205 tỷ đồng).
Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức hơn 6.403 tỷ đồng, giảm 806 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng nói, nợ vay tại Hà Đô ghi nhận hơn 5.047 tỷ đồng, chiếm tới 79% nợ phải trả. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không thuyết minh chi tiết các khoản nợ vay tại ngân hàng, cá nhân nào.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh giá trị hàng tồn kho bất động sản giảm nhẹ sau 9 tháng đầu năm thì "của để dành" của Hà Đô không những không tăng mà còn giảm mạnh.
Cụ thể, tính đến 30/9/2024, "của để dành" của Hà Đô, tức khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn bốc hơi đến 93% so với đầu năm, giảm từ 304 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 21 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn cũng chỉ còn vỏn vẹn 243 triệu đồng, giảm mạnh 97% so với đầu năm.
Như vậy, lượng “của để dành” (người mua trả tiền trước + doanh thu chưa thực hiện) của Hà Đô tính đến 30/9/2024 chỉ còn vỏn vẹn hơn 21,3 tỷ đồng, "bốc hơi" đến 93% so với đầu năm.
Khoản tiền “người mua trả trước ngắn hạn” là khoản khách hàng mua nhà thanh toán theo tiến độ dự án. Chủ đầu tư chỉ được ghi nhận khoản này vào doanh thu sau khi hoàn thành và bàn giao bất động sản cho khách hàng. Chính vì vậy, nhà đầu tư thường "căn cứ" vào khoản này để dự báo khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp địa ốc.