Hội tụ đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã hội tụ 4 điều kiện sẵn sàng đón nhận và hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm:
Thứ nhất, Việt Nam có chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện ở thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên lựa chọn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược.
Thứ hai, dân số đông, nguồn nhân lực trẻ có khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM hứa hẹn trở thành nguồn nhân lực cho thị trường các ngành công nghệ cao đầy tiềm năng.
Thứ ba, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao. Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI). Việt Nam cũng đang là một “khách hàng, đối tác” lớn của các tập đoàn công nghệ trên thế giới như Google, Meta, Amazone với thị phần không ngừng mở rộng.
Thứ tư, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao. Dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Bên cạnh đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cùng với 3 khu công nghệ cao tại các thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều khu công nghiệp với hạ tầng hiện đại sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thuận lợi.
Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu giai đoạn 2024-2030: Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỉ USD/năm; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỉ USD/năm.
Giai đoạn 2030-2040 đặt mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỉ USD/năm Quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỉ USD/năm. Đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỉ USD/năm.
Thêm động lực phát triển
Về dự án Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ mục đích là: “Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số” và “Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Liên quan đến dự án Luật này, thảo luận tại tổ thuộc kỳ họp Quốc hội hôm 23/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần có những ưu đãi đặc biệt về đất đai, lệ phí, nguồn cung cấp nước sạch, điện, cơ sở hạ tầng và tài chính đối với công nghiệp bán dẫn. Trong đó Thủ tướng nêu rõ ưu đãi về tài chính là một cách thức thu hút nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Song song với ưu đãi tài chính, cần có những hỗ trợ phù hợp để tận dụng tốt ưu thế địa lý, đảm bảo sức thuyết phục với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cách làm hiệu quả nhất của Việt Nam lúc này là thu hút kỹ sư chip có trình độ cao trên thế giới về Việt Nam làm trong vài năm, các kỹ sư này sẽ giúp chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề cho kỹ sư Việt Nam. Chính vì vậy rất cần chính sách thu hút nhân tài quốc tế đặc biệt trong ngành bán dẫn.
Để phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, điều quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất. Tức là phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, phải hiểu về công nghệ lõi. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ có thay đổi, bổ sung luật về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…Chính phủ cam kết đầu tư các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho tương lai.
Lan Phương/moit.gov.vn