Ngày nay, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số đã trở thành điều tất yếu đối với mỗi nhà sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất áp dụng các xu hướng công nghệ để có thể cạnh tranh, giảm bớt sự can thiệp của con người và đạt được hiệu suất cao nhất. Công nghệ không ngừng phát triển và chúng ta đang chứng kiến những xu hướng mới xuất hiện năm này qua năm khác. Giờ là lúc hãy cùng dự đoán về những công nghệ sản xuất thông minh hàng đầu sẽ trở thành xu hướng trong năm 2022.
• Thúc đẩy sản xuất thông minh là con đường phát triển bền vững
• Đo lường thời đại 4.0: Cầu nối trong sản xuất thông minh
Bảo trì dự đoán
Bảo trì dự đoán không phải là một xu hướng mới, nhưng nó sẽ tiếp tục phát triển và thống trị trong những năm tới. Thông qua bảo trì dự đoán, nhà sản xuất có thể phân tích chi tiết hiệu suất của các công cụ, máy móc, thiết bị trong nhà máy, đồng thời giám sát quá trình sản xuất với sự trợ giúp của các công nghệ như AI và dữ liệu lớn.
Ngoài ra, bằng cách thay thế các công việc thủ công bằng công nghệ và tự động hóa quá trình, chúng ta có thể dự đoán bất kỳ sự cố bất thường nào, các nhà sản xuất sẽ hạn chế tối thiểu thiệt hại, xác định nhu cầu tiêu dùng và quản lý hàng tồn kho một cách tốt hơn.
Theo dõi tình trạng máy móc
Việc giám sát từ xa tình trạng của máy móc giúp ta có thể phát hiện các sự cố và cải thiện chúng. Tình trạng của máy móc tốt sẽ dẫn đến chất lượng sản xuất và đầu ra tốt hơn. Công nghệ cảm biến đang phát triển và 2021 vừa qua là một năm đột phá khi nhu cầu của nó tăng lên hơn bao giờ hết. Công nghệ cảm biến giúp các nhà sản xuất giảm tình trạng của máy móc trong điều kiện từ xa: các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm, độ rung, tốc độ,…
Mô hình làm việc kết hợp với công nghệ AI
Làm việc từ xa đã từng được áp dụng tại một số doanh nghiệp trước đại dịch, nhưng sau khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, văn hóa làm việc tại nhà đặc biệt gia tăng. Theo một cuộc khảo sát, khoảng 88% công ty cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà. Văn hóa này cũng đã trở thành một xu hướng mới trong ngành sản xuất.
Công nghệ AI cho phép các doanh nghiệp thực hiện làm việc từ xa trong sản xuất và tạo ra một môi trường làm việc kết hợp (hybrid). Các nhà sản xuất đang sử dụng công nghệ AI để tạo ra những nơi làm việc kết hợp con người và máy móc, qua đó cắt giảm chi phí nhân công. Xu hướng này sẽ còn được áp dụng nhiều hơn nữa vào năm 2022 vì nó mang lại lợi nhuận tốt hơn, giảm thiểu sai sót và sự can thiệp của con người vào các quy trình sản xuất.
Từ Tự động hóa đến Siêu tự động hóa
Tự động hóa đã giúp các nhà sản xuất loại bỏ các hoạt động sản xuất tốn thời gian và dễ xảy ra sai sót, đồng thời cân bằng sự thiếu hụt lao động. Và 2022 sẽ là năm dành cho thuật ngữ “Siêu tự động hóa”, đây là một cách tiếp cận có kỷ luật với mục đích tự động hóa càng nhiều quy trình sản xuất càng tốt.
Được hỗ trợ bởi các công nghệ như cảm biến, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa công việc bằng robot và AI, siêu tự động hóa sẽ xử lý các quy trình phức tạp lặp đi lặp lại và cải thiện việc ra quyết định, tính nhất quán và chất lượng các hoạt động.
Mạng 5G
5G, thế hệ thứ năm của công nghệ mạng không dây di động, đã và đang mang lại những lợi ích cho lĩnh vực sản xuất thông minh. Những ứng dụng của nó sẽ là một xu hướng chính trong sản xuất thông minh. Với 5G, một doanh nghiệp sản xuất có thể nâng cao chất lượng sản xuất, cải thiện bảo mật, hạ giá thành, gia tăng tính bền vững, nâng cao hiệu quả và có được lợi thế cạnh tranh trong thị trường.
5G cho phép các nhà sản xuất tạo ra một mạng cảm biến không dây lớn để thu thập thông tin chi tiết từ mạng IoT, qua đó cải thiện khả năng tự động hóa và tăng cường thu thập dữ liệu.
Sản xuất theo hướng tiêu dùng
Mô hình siêu cá nhân hóa đang là một xu hướng thống trị tất cả các lĩnh vực. Đã có một thời, các doanh nghiệp sản xuất thường tuân theo các quy trình cứng nhắc và thống nhất để sản xuất chung. Nhưng nhu cầu của khách hàng hiện đại sẽ không được đáp ứng bằng các sản phẩm và dịch vụ đó.
Mỗi khách hàng ngày nay thích các sản phẩm riêng, đáp ứng các nhu cầu cụ thể của họ. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất thường theo dõi các xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng, qua đó dự đoán nhu cầu của họ và sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thích hợp để phục vụ.
Công nghệ mới nổi
Các công nghệ mới nổi chính là xu hướng cuối cùng và đặc biệt quan trọng trong ngành sản xuất hiện nay. Điều tạo nên sản xuất thông minh là việc triển khai các công nghệ mới như IoT, điện đám mây, AI, học máy, năng lượng sạch, AR / VR, robot công nghiệp thông minh,…
Tiếp tục tìm kiếm những cải tiến công nghệ mới nhất sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất luôn dẫn đầu trong việc áp dụng xu hướng và ghi dấu ấn trong thị trường.
Kết luận: Mỗi nhà sản xuất cần luôn phải nắm lấy những đổi mới công nghệ để thiết kế lại các quy trình hoạt động nhằm đạt được tiềm năng cao nhất. Các doanh nghiệp đều đang hoạt động trong một môi trường hết sức năng động, việc không bắt kịp xu hướng sẽ khiến họ đánh mất cơ hội, bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.
Bình An (theo: mlitsol.com)