GDP năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn mục tiêu đặt ra GDP quý II/2024 tăng 6,93% |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân (sau 3 năm không đạt). Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD, so với mục tiêu 4.700-4.730 USD) do biến động tỷ giá.
Tốc độ tăng GDP của quý sau luôn cao hơn quý trước |
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng là 4,04%, cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024.
Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Các dự án két cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia tiếp tục được tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư. Đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới; phát động và ban hành kế hoạch triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Đặc biệt, Chính phủ đã dành gần 700 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 với mức cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng 4,04%; cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024. Tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến phù hợp với thị trường thế giới; có giải pháp kịp thời, quyết liệt, hiệu quả để ổn định thị trường vàng.
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng tăng mạnh, ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ, ước cả năm tăng 10,1% so với dự toán. Trong khi đó, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất từ đầu năm đến hết tháng 8 để hỗ trợ sản xuất kinh doanh là gần 90 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm là khoảng 187 nghìn tỷ đồng.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt khoảng 19,1 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục phục hồi; đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%). Thu hút FDI là điểm sáng; vốn FDI đăng ký đạt hơn 20,5tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất từ năm 2021 đến nay. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng, an ninh lương thực; không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu, bảo đảm đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Hồng Duyên