Trân trọng giá trị nghi lễ truyền thống
Từ đầu năm đến nay, ngành văn hóa đã triển khai phục dựng, bảo tồn ba nghi lễ, lễ hội truyền thống của các DTTS có nguy cơ mai một tại các địa phương nhằm từng bước khôi phục, bảo tồn, khai thác và xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS gồm: Nghi lễ cúng no đủ (kăm mah kăm ajir) của dân tộc Êđê (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar); Lễ cúng bến nước (bến hồ) của người M’nông tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk); Lễ cấp sắc của người Dao Tiền tại xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo).
Thầy cúng chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng no đủ của người Êđê ở xã Cư Suê (huyện Cư M'gar). |
Việc phục dựng các nghi lễ của các dân tộc không đơn giản là tổ chức trình diễn, tái hiện mà còn bao trùm các hoạt động khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin để bảo tồn lễ hội; ghi hình, quay phim về lễ hội để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá… Đặc biệt là phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Tại nghi lễ cúng no đủ của dân tộc Êđê vừa được tổ chức tại buôn Sút M’drang (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar), già làng Y Nghi Êban cho biết, sự no đủ là điều mà mọi người đều khao khát, cúng no đủ là nghi lễ rất quan trọng, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, rẫy nương tươi tốt và mùa màng bội thu… Trước đây, nghi lễ được bà con chung tay tổ chức tại buôn làng vào khoảng tháng 5, tháng 6 hằng năm, nhưng nhiều năm gần đây dần dần bị gián đoạn, lớp trẻ của buôn ít biết tới.
“Thông qua Dự án 6, nhiều lớp dạy cồng chiêng, đan lát, dệt và các nghi lễ, văn hóa của người DTTS đã được thực hiện. Đây là cơ sở để cộng đồng các DTTS tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi’ - ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Chính vì vậy, ở lần tổ chức nghi lễ cúng no đủ này, bà con ai cũng háo hức chờ đợi, không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng tham gia, hỗ trợ đắc lực cho công tác chuẩn bị. Ngoài mâm lễ vật gồm có 2 con heo, 5 con gà trống, 3 ché rượu cần, 20 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng… thì còn có các vật dụng độc đáo khác như các mô hình: kho lúa (ước mơ no đủ), thần trời, ma ác (biểu trưng cho các thế lực thiên nhiên), khiên và đao (để xua đuổi tà ma), trâu, lợn rừng, nhím, mõ đuổi chim, tổ ong (ước săn bắt, hái lượm, thu hoạch được nhiều sản vật từ rừng), các nông cụ như cào gom cỏ, đôi gậy chọc lỗ, ống đựng thóc giống (để thực hiện nghi thức trỉa lúa)…
Thầy cúng thay mặt người dân trong các buôn khấn cầu các vị thần đổ nước xuống để người dân có nước trồng cây, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ, người dân luôn được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật…
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho hay, trên địa bàn xã có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 4 buôn đồng bào Êđê. Việc phục dựng nghi lễ này mang ý nghĩa sâu sắc về xây dựng một cộng đồng đoàn kết và gắn bó, qua đó thể hiện tình yêu thương và sự kính trọng, biết ơn, hướng về cội nguồn và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của người Êđê nói riêng và người dân trên địa bàn xã nói chung.
Hỗ trợ thiết thực cho hoạt động văn hóa cơ sở
Tương tự, Lễ cúng bến nước (bến hồ) của người M’nông tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk); Lễ cấp sắc của người Dao Tiền tại xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo) cũng được tổ chức với sự tham gia đông đảo của cộng đồng.
Người dân tham gia Lễ cấp sắc của người Dao Tiền tại xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo). |
Bên cạnh phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ về nghiệp vụ, kiến thức, đồ nghề tập luyện, thúc đẩy sự phát triển và phát huy vai trò hạt nhân của đội văn nghệ ở buôn làng.
Trong lớp hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động cho đội văn nghệ cơ sở tại thị xã Buôn Hồ mới đây, đội đàn tính - hát then xã Bình Thuận được Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cùng các cán bộ thuộc Phòng Nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa tỉnh hướng dẫn về phương pháp xây dựng hoàn thiện một chương trình văn nghệ để phục vụ, biểu diễn tại những ngày lễ của địa phương.
Bà Nông Thị Hai, thành viên của đội tâm sự: “Sau khi tham gia lớp hướng dẫn, mỗi thành viên cũng như cả đội đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, kiến thức, hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống, từ đó tổ chức sinh hoạt có trách nhiệm và biểu diễn chuyên nghiệp hơn…”.
Nguồn: Gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số