Inno Vietnam – Japan Fast Track Pitch 2024 hướng tới kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Nhật Bản với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á.
Sáng 12/7, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức Lễ công bố chương trình “Inno Vietnam – Japan Fast Track Pitch 2024”. Chương trình dự kiến trở thành sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Năm 2023, sự kiện Inno Vietnam – Japan Fast Track Pitch đã lần đầu tiên diễn ra thành công với hơn 350 người tham dự, bao gồm 240 trực tiếp và 110 trực tuyến, có sự hiện diện của Bộ trưởng METI Nhật Bản và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. 12 startup xuất sắc đã giải quyết thách thức từ 6 doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup, FPT, MOMO, Tokyu, Fujikin, và Money Forward, với các dự án về đô thị bền vững, B2B SaaS, fintech, tín chỉ carbon, trợ lý ảo pháp lý và AI tối ưu hóa pin EV.
Năm 2024, NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và JETRO tiếp tục tổ chức Chương trình “Inno Vietnam – Japan Fast Track Pitch 2024”, với mục tiêu thu hút doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á cùng giải quyết các vấn đề cấp thiết mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang gặp phải.
“Sự hợp tác giữa doanh nghiệp sở hữu thách thức và doanh nghiệp đề xuất giải pháp giúp thúc đẩy trao đổi tri thức và làm tăng hiệu quả của việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, giải pháp tới các khách hàng lớn tiềm năng. Đặc biệt, các sản phẩm, giải pháp xuất sắc sẽ có cơ hội được doanh nghiệp sở hữu thách thức hỗ trợ phát triển và đầu tư trong tương lai, hướng tới mở rộng thị trường và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Hoài nhấn mạnh.
Năm 2024, chương trình có sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn sở hữu thách thức. Trong đó, NTT DATA Vietnam công bố thách thức “NTT DATA là Đối tác Đổi mới sáng tạo của bạn ở bất kỳ đâu trên thế giới”; Công ty Phenikaa-X đưa ra đề bài “Bản sao kỹ thuật số và các giải pháp tự động cho các thành phố thông minh; SMC Manufacturing (Vietnam) công bố thách thức “Dự đoán nhu cầu sản phẩm trong tương lai với độ chính xác cao cho nguồn cung ổn định và thời gian giao hàng ngắn”; VinAI đưa ra thách thức “Các giải pháp AI tạo ra dễ tiếp cận, đáng tin cậy và giá cả phải chăng cho các doanh nghiệp Việt Nam”; Viettel Cyber Security ra đầu bài về: “Giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu tấn công ransomware toàn diện”. Một thách thức khác Willer Việt Nam công bố là “Tạo ra các thành phố và lối sống hạnh phúc, bền vững bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người”…
Hà An