![]() |
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo. |
Năm 2024 đánh dấu nhiều thay đổi quan trọng với việc ban hành và sửa đổi hàng loạt luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư. Nổi bật là các điều chỉnh trong Luật Đất đai về cơ chế thu hồi, thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, và chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt liên quan đến các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị. Các luật về Đấu giá tài sản và Đấu thầu cũng được cập nhật, làm rõ các trường hợp và quy trình đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Luật Đầu tư được bổ sung quy định về Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và giới thiệu “Thủ tục đầu tư đặc biệt” rút gọn cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư công, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Điện lực, Luật Chứng khoán cũng có những sửa đổi đáng kể. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng được ban hành, quy định rõ các loại quy hoạch và cách xử lý khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch.
Phát biểu khai mạc, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh: “Ý nghĩa quan trọng của Luật số 57/2024/QH15. Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả. Thông qua Hội thảo, những thông tin hữu ích sẽ được cung cấp để giải đáp các thắc mắc về những điểm mới như phân quyền cho UBND cấp tỉnh, cơ chế hỗ trợ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch rút gọn và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu”.
Tại Hội thảo, LS. Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh kiêm Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: “Tranh chấp đầu tư liên quan đến phân cấp quản lý địa phương và dự án PPP đang có xu hướng gia tăng trong giai đoạn hiện nay. Phân cấp phân quyền cho địa phương liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ của các địa phương, dẫn đến hệ quả các bên phát sinh tranh chấp do chậm trễ hoàn tất thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước. Đối với các dự án PPP, dù Luật số 57 mở rộng phạm vi và tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia, việc thiếu cơ chế thực thi minh bạch tiềm ẩn rủi ro tranh chấp về điều khoản chấm dứt hợp đồng hoặc phân chia rủi ro”.
![]() |
LS. Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh kiêm Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
“Trong bối cảnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định vĩ mô, năm 2024 và năm 2025 chứng kiến những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam. Trọng tâm là việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tư duy xây dựng pháp luật cũng có sự thay đổi từ “không quản được thì cấm” sang việc kiến tạo và thúc đẩy phát triển, đẩy mạnh phân cấp phân quyền”, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết.
Trong năm 2025, Quốc hội dự kiến ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong nước. Theo đó, tiếp tục việc xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều luật quan trọng khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Quảng cáo. Các sửa đổi này nhằm tiếp tục thể chế hóa các chính sách ưu đãi, linh hoạt trong đấu thầu, đầu tư PPP, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
![]() |
Đông đảo các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo “Luật số 57/2024/QH15 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư”. |
Đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam đang đề xuất thành lập Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đánh dấu bước đột phá trong thu hút đầu tư toàn cầu. Trung tâm này sẽ áp dụng 15 nhóm chính sách đặc thù, bao gồm ưu đãi về thuế, ngoại hối, ngân hàng, thị trường vốn và cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Trung tâm sẽ được phép thành lập công ty theo mô hình công ty mẹ sở hữu cổ phần hoặc vốn góp cần thiết tại các công ty khác như doanh nghiệp nội địa mà không cần thủ tục đầu tư phức tạp, đồng thời áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Mục tiêu chung của Trung tâm tài chính quốc tế là thu hút các tổ chức tài chính đa quốc gia bằng hệ thống pháp lý linh hoạt, thúc đẩy kinh tế thông qua thu hút đầu tư nước ngoài và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực.
Thông qua Hội thảo này, ITPC kỳ vọng sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, cung cấp thông tin pháp lý cập nhật và giải đáp kịp thời những vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư; qua đó, làm rõ hành lang pháp lý, tạo động lực thúc đẩy môi trường đầu tư hiệu quả, thu hút nguồn lực toàn cầu và hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm vị thế kinh tế - tài chính của Việt Nam.