Trong thời kỳ số, sự dịch chuyển từ dịch vụ ngân hàng truyền thống sang mô hình số hóa của ngành tài chính – ngân hàng đang làm thay đổi cách thức vận hành của tất cả các giao dịch. Đây được coi là xu hướng tất yếu giúp gia tăng hiệu quả, đảm bảo sự an toàn bền vững của các tổ chức tín dụng và mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, để hạn chế các tác động tiêu cực có thể xảy đến, yêu cầu của các tổ chức ngân hàng đặt ra là phải nhanh chóng có các chính sách phù hợp với mô hình hoạt động mới.
Ngành Tài chính ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) theo Đề án “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trên thực tế, lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã chuyển dịch, thực hiện từng giai đoạn của chuyển đổi số. Cụ thể, theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước năm 2018, có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó có 59% ngân hàng bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế, chỉ có 6% ngân hàng chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.
Cho đến 8 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt trên 239 triệu giao dịch với giá trị đạt 547.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 28,9% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019. Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.
Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS) cũng đưa ra số liệu về giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua NAPAS. Từ năm 2015, giao dịch rút tiền mặt từ ATM chiếm gần 90% tổng số giao dịch nhưng đã giảm xuống chỉ còn 26,6% trong năm 2020. Trong khi đó, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 1,1% năm 2015 lên 66,6% số lượng giao dịch vào năm nay.
Chuyển đổi số ngân hàng nhìn từ thực tiễn
Theo khảo sát của PGS.TS. Đào Minh Phúc – Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cùng các cộng sự tiến hành về tình trạng cung cấp của 30 dịch vụ ngân hàng số tại 12 ngân hàng thương mại cho thấy ngân hàng thấp nhất có 6 dịch vụ, cao nhất có 20 dịch vụ. Các ngân hàng đều đa dạng dịch vụ ngân hàng số.
Các ngân hàng tham gia khảo sát cũng đều cho thấy họ nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số do tạo ra những lợi ích cho ngân hàng, đặc biệt là giảm được nhiều chi phí và tiếp cận được với những phân khúc khách hàng ngày càng rộng hơn.
Để nói về những thay đổi to lớn mà công nghệ có thể tác động tới các hoạt động nghiệp vụ chuyên sâu, tại phiên hội nghị chuyên đề nằm trong chương trình “Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020” diễn ra vào ngày 15/12/2020, ông Nguyễn Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ MISA có phần chia sẻ về BankHub – nền tảng giúp thay đổi cách doanh nghiệp giao dịch với Ngân hàng.
Việc sử dụng MISA BANKHUB có thể rút ngắn thời gian giao dịch và các “phiền phức” cho cả kế toán doanh nghiệp lẫn ngân hàng đến 93%, từ 4 giờ xuống còn 15 phút cho một giao dịch (đối chiếu trực tiếp qua 600 giao dịch). Hay việc BANKHUB sử dụng đánh giá tín dụng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảm thiểu thủ tục vay vốn ngân hàng qua B2B Lending Platform,…
“Giải pháp chăm sóc khách hàng tự động bằng công nghệ AI” đến từ Viettel, do ông Phạm Quang Vinh – Giám đốc Sản phẩm, Trung tâm không gian mạng Viettel chia sẻ những số liệu thú vị, khi mà có đến 40% khách hàng châu Á cho biết họ thích sử dụng Digital Banking; trong đó, 50% ở độ tuổi dưới 40. Chắc chắn, tỷ lệ này sẽ gia tăng trong tương lai, cùng với một xu thế dễ nhận thấy là số tiền gửi và các khoản vay chuyển dịch dần sang hình thức trực tiếp phù hợp với xu hướng thương mại điện tử.
Theo ông Phạm Quang Vinh, trong bối cảnh các ngân hàng phải đối mặt với câu chuyện càng đơn giản hóa quy trình cung cấp dịch vụ thì vai trò giám sát càng trở nên quan trọng, đặc biệt là phải số hóa việc giám sát trải nghiệm khách hàng trên các kênh để đảm bảo sự đồng nhất và liền mạch. Nắm bắt và đáp ứng nhu cầu này, giải pháp chăm sóc khách hàng tự động bằng AI (Cyber-Callbot) của Viettel sẽ giúp ngân hàng giảm nhẹ áp lực về nhân lực và chất lượng chăm sóc khách hàng.
Cửa ngõ trọng yếu cho chuyển đổi số ngân hàng
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tài chính của Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu:
Đến năm 2025: Thiết lập hệ sinh thái ngành tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.
Đến năm 2030: Chính phủ thông qua một ngành tài chính hiện đại và vững mạnh dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số. Liên quan đến lộ trình này là các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng số.
TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đưa ra kiến nghị với Bộ thông tin và Truyền thông cần ban hành những chính sách phù hợp hơn, tạo thông thoáng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước.
“Để chuyển đổi số, các ngân hàng truyền thống cần số hoá toàn ngân hàng, xây dựng mô hình ngân hàng số chuyên biệt”, bà Nguyễn Thuỳ Dương – Chủ tịch EY Consulting Việt Nam – cho biết. Theo bà Dương, đến năm 2025 dự đoán khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ chuyển sang các mô hình kinh doanh mới. 34% các khoản cho doanh nghiệp SME vay, các khoản thanh toán sẽ chuyển sang thanh toán bằng ví điện tử hoặc trực tiếp từ tài khoản đến tài khoản, hoặc cho vay ngang hàng, 34% mảng quản lý tài sản sẽ sử dụng các nền tảng môi giới tự động với mức phí rẻ hơn, 17% các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản vay qua sử dụng thẻ tín dụng, cho vay thế chấp sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ cho vay ngang hàng.
Và rào cản lớn mà các ngân hàng tại Việt Nam đang gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số là khung pháp lý, hiện chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới.
Từ khảo sát về dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam, PGS.TS. Đào Minh Phúc cũng nêu lên quan điểm: “Mặc dù đã được tích hợp vào một số văn bản liên quan, về mặt quản lý điều hành dịch vụ ngân hàng số hiện vẫn chưa có văn bản quy định riêng. Để phát triển các dịch vụ ngân hàng số một cách hoàn thiện, ngoài nỗ lực của các ngân hàng thương mại, cần hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiện toàn hành lang pháp lý, khung chính sách”.
“Trong thế giới số, quá trình đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đảm bảo nguồn tài chính cho các cá nhân, tổ chức phải được các ngân hàng, tổ chức tài chính tiến hành đồng thời”, ông Trần Quang Hưng – Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đưa ra nhận định tại Hội thảo Banking Tech Việt Nam 2020, diễn ra vào ngày 16/12/2020.
Để làm được điều này, ngành tài chính, ngân hàng cần phải liên kết với nhau và liên kết với các đơn vị quản lý an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và đặc biệt là các đơn vị truyền thông để thông tin về các hành vi lừa đảo tài sản trong ngân hàng của khách hàng. Vì vậy, rất cần những khung chính sách của nhà nước để sự an toàn trong ngân hàng số phải được đảm bảo.
Thu Trang