Lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải tổ chức “Lễ hội Sơn tra” nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm thực phẩm, dược liệu, ẩm thực từ Sơn tra. |
Theo đó, các hoạt động: Hội thi văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian; thi đan lát các sản phẩm từ tre, trúc và Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng" sẽ diễn ra vào 8 giờ ngày 1/9.
Chương trình khai mạc "Lễ hội mùa vàng" năm 2024 và "Lễ hội Sơn tra" huyện Mù Cang Chải lần đầu tiên sẽ tổ chức vào 20h tối ngày 6/9. Tâm điểm của sự kiện sẽ là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại sơn tra”; 6 đoàn diễu diễn đường phố biểu diễn các điệu dân vũ mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông, Thái của huyện Mù Cang Chải và xe chở mô hình quả, cây sơn tra (táo mèo), các sản phẩm chế biến từ sơn tra; công bố quyết định của Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các lễ hội được công nhận: "Lễ hội Mùa Vàng” "Festival dù lượn bay trên miền danh thắng”, "Lễ hội giã bánh dày” và Quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam.
Cùng trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội, huyện Mù Cang Chải còn tổ chức Hội thi ẩm thực "Hương vị sơn tra"; thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải; tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu quả sơn tra và các sản phẩm chế biến từ sơn tra của các địa phương, kết hợp thi trang trí không gian trưng bày đẹp. Đồng thời, tổ chức giải chạy Marathon "MU CANG CHAI ULTRA TRAIL” năm 2024, Lễ mừng cơm mới của đồng bào Mông; tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tổ chức các hoạt động văn nghệ bản sắc và các tối thứ 7 hàng tuần; các tour du lịch trải nghiệm…
Việc tổ chức Tết Độc lập 2/9; các hoạt động du lịch mùa vàng năm 2024 và Lễ hội sơn tra huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất nhằm tiếp tục tôn vinh giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về cây sơn tra (táo mèo), sản phẩm đặc sắc của địa phương. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Song song với đó, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch Mù Cang Chải, thu hút sự chung tay của toàn xã hội trong phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”.
Sơn tra (hay còn gọi táo mèo) là loài cây mọc tự nhiên, còn nay đã được người dân tập trung đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn đất, tạo môi trường sinh thái bền vững, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.
Năm 2023, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có trên 6.000 ha cây sơn tra, vừa mọc tự nhiên, vừa được trồng tại khu vực đồi núi thấp, trong đó trên 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 3.000 tấn mỗi năm. Diện tích trồng cây sơn tra tập trung chủ yếu ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Tạo… Sơn tra có thể chế biên thành nhiều sản phẩm: trà táo mèo, siro, rượu, mứt.. và làm dược liệu do nhiều dược tính nổi trội dùng trong y học. Nhiều sản phẩm từ sơn tra đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Năm 2023, Nghệ thuật Khèn Mông và Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã được công nhận là Di sản vhóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2029 và "Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2021. Chuyên trang du lịch gia đình nổi tiếng Wanderlust Storytellers mới đây đã xếp Mù Cang Chải của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong danh sách 25 điểm đến trên thế giới có vẻ đẹp phi thực tế.