Ngày 16/9 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc thành lập Công ty Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản trực thuộc Ngân hàng TMCP Phương Đông. Phía ngân hàng hiện chưa cập nhật thông tin về ngày thành lập, đề án thành lập và điều lệ tổ chức, hoạt động công ty.
Trước đó, nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, MB,... đã triển khai thành Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) nhằm tăng cường khả năng xử lý nợ xấu và tối ưu hoá việc thu hồi tài sản.
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2024, OCB có duy nhất một công ty con là Công ty TNHH MTV Chuyển tiền Quốc tế Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OIMT), có vốn điều lệ 25 tỷ đồng và do ông Trương Đình Long Phó Tổng Giám đốc OCB kiêm nhiệm Chủ tịch và ông Trịnh Hoài Nam giữ chức vụ Tổng Giám đốc.
Tiền thân của OIMT là trung tâm chuyển tiền quốc tế OCB hoạt động và cung cấp các dịch vụ chuyển tiền quốc tế, chi trả kiều hối cho khách hàng trong nước và quốc tế.
Đáng lưu ý, việc ngân hàng OCB thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trong bối cảnh nợ xấu liên tục tăng trưởng khiến tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng quy định của Ngân hàng nhà nước.
Theo đó, giai đoạn 2021-2023, tổng nợ xấu tại OCB tăng mạnh, từ mức 1.349 tỷ đồng năm 2021 lên 2.671 tỷ đồng năm 2022 và đến năm 2023 con số nợ xấu cán mốc hơn 3.900 tỷ đồng.
Tương tự, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,32% năm 2021 lên 2,65% năm 2023.
Tính đến 30/6/2024, chất lượng tín dụng tại OCB cũng không mấy sáng sủa khi tổng nợ xấu tiếp tục tăng 22% so với đầu năm, từ 3.904 tỷ đồng lên hơn 4.767 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ 3 (nợ nghi ngờ) chỉ tăng nhẹ 3% lên hơn 996 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 16% lên gần 1.457 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng tới 38% lên hơn 2.314 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu tại OCB tăng từ mức 2,65% hồi đầu năm lên 3,12% (vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Ngoài khoản nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, ngân hàng OCB đang sở hữu hơn 7.980 tỷ đồng "nghĩa vụ nợ tiềm ẩn" không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng. Trong đó, gồm hơn 13 tỷ đồng bảo lãnh vay vốn, hơn 1.631 tỷ đồng cam kết trong nghiệp vụ L/C và hơn 6.342 tỷ đồng bảo lãnh khác.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và bảo lãnh khác như thanh toán, thực hiện hợp đồng, dự thầu... Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C nhìn chung có tính an toàn cao hơn so với các khoản bảo lãnh vay vốn hay các khoản bảo lãnh khác.
Trước đó, giai đoạn 2021-2023, "nghĩa vụ nợ tiềm ẩn" tại OCB có xu hướng giảm, từ 17.712 tỷ đồng năm 2021 giảm xuống còn 12.858 tỷ đồng năm 2022 và đến năm 2023 con số này giảm mạnh còn 7.829 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm 30/6/2024, có xu hướng tăng nhẹ lên 7.986 tỷ đồng.
Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán, thì rõ ràng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh nợ xấu cũng như đánh giá được những rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng.