Theo Sở giao dịch chứng khoán TP Hà Nội (HNX), mới đây nhất, ngày 12/12/2024, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã: OCB) đã phát hành thành công lô trái phiếu mã OCBL2427024, khối lượng 2.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu có giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, tức đáo hạn 12/12/2027.
Ngày 11/12, ngân hàng OCB cũng đã huy động 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành 1.000 trái phiếu mã OCBL2427023 ra thị trường trong nước, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, tức đáo hạn ngày 11/12/2027.
Ngày 10/12/2024, OCB cũng đã phát hành thành công 700 trái phiếu mã OCBL2427022, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 700 tỷ đồng. Cũng kỳ hạn 3 năm, tức đáo hạn ngày 10/12/2027.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày liên tiếp, OCB huy động thành công 3.700 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Nguồn: OCB phát hành thành công lô trái phiếu OCBL2427024 (Nguồn: HNX). |
Thống kê từ HNX, từ đầu năm đến ngày 12/12/2024, ngân hàng OCB đã phát hành ra thị trường 24 lô trái phiếu với tổng giá trị 27.500 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của OCB có lãi suất cao nhất ở mức 5,6%/năm, mức thấp nhất là 4,9%/năm.
Ở chiều ngược lại, ngày 27/11/2024 vừa qua OCB đã tiến hành mua lại toàn bộ lô trái phiếu OCBL2326014. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 27/11/2023, gồm 1.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn ngày 27/11/2026.
Trước đó, OCB cũng tiến hành mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã OCBL2326013 trong ngày 20/11/2024. Lô trái phiếu này được OCB phát hành ngày 20/11/2023, gồm 800 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 800 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn ngày 20/11/2026.
Đáng chú ý, vào ngày 5/11 vừa qua, Ngân hàng OCB công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ 2 trong năm 2024.
Cụ thể, OCB dự kiến phát hành tối đa 13.200 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá tương ứng một tỷ đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán, kỳ hạn một năm kể từ ngày phát hành.
Theo kế hoạch, lượng trái phiếu này sẽ được phát hành trong 13 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000-1.200 tỷ đồng trong quý IV/2024. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trái phiếu được phát hành theo hình thức đại lý phát hành, bán trực tiếp cho nhà đầu tư hoặc phương thức khác và được chào bán riêng lẻ. Số tiền thu về từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành.Về kết quả kinh doanh quý III, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III đạt hơn 440 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.553 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý III/2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III đạt hơn 440 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.553 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, tính đến 30/9/2024 tổng tài sản của OCB đạt 265.502 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2023 trong đó cho vay khách hàng tăng 7,2%. Huy động thị trường 1 đạt 176.287 tỷ đồng, nhờ cơ cấu lại cấu trúc huy động nhằm tối ưu hóa chi phí. Tiền gửi khách hàng duy trì kết quả khả quan ở mức 136.535 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2023.
Chất lượng tín dụng tại ngân hàng OCB có dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu tính đến 30/9/2024 tăng 29% so với đầu năm, lên mức gần 5.037 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2.325 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), tăng 38% so với đầu năm; hơn 1.496 tỷ đồng là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4), tăng 19% và hơn 1.214 tỷ đồng là nợ dưới tiêu chuẩn, tăng 26%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại OCB chính thức vượt ngưỡng quy định của Ngân hàng nhà nước, tăng từ 2,65% hồi đầu năm lên 3,19%.
Ngoài ra, ngân hàng OCB còn có hơn 4.533 tỷ đồng dư nợ cần chú ý (nợ nhóm 2), tăng tới 44% so với đầu năm. Mặc dù chưa được liệt vào danh sách nợ xấu, tuy nhiên với việc nợ nhóm 2 tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, cho thấy khả năng có thể trở thành nợ xấu rất cao.