Nông nghiệp thông minh không chỉ là IoT mà cao hơn phải là IIoT, tức phải có các tiêu chuẩn truyền thông công nghiệp tham gia vào, phải có dữ liệu lớn.
NNCNC: những vấn đề còn tồn tại
NNCNC (nông nghiệp thông minh) là một nền nông nghiệp được số hóa từ khâu nông trại, vận chuyển, chế biến, marketing và tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Để số hóa được nền nông nghiệp như vậy đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều lĩnh vực công nghệ như sinh học, vật liệu, tự động hóa, công nghệ thông tin, các giống cây trồng, kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến,… và đặc biệt cần được thông minh hóa, tạo nên chuỗi giá trị. Bài học thực tế nhiều năm qua cho thấy ngoài thông minh hóa thì cần hình thành được chuỗi giá trị trong nông nghiệp mới có thể thành công, bền vững.
Ở Việt Nam từ năm 2012, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã quan tâm tạo cơ chế chính sách cho phát triển NNCNC. Nhiều doanh nghiệp, nhà nông cũng đã tìm cách tiếp cận với mô hình NNCNC. Một số doanh nghiệp hay nhà nông có thành công bước đầu nhưng mức độ số hóa còn thấp hoặc mới chỉ được một số khâu trong một mô hình NNCNC hoàn chỉnh. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở Việt Nam từ năm 2012 đến tháng 8/2017 cả nước có chỉ có 28 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC, đến tháng 10 năm 2019 cả nước có 44 doanh nghiệp. Như vậy hơn 2 năm, tỷ lệ doanh nghiệp NNCNC tăng chậm. Trong những năm qua, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã đưa nhiều thông tin thành công, thất bại của các mô hình khởi nghiệp NNCNC. Số doanh nghiệp thành công đã trải qua không ít gian nan và cũng mới thành công bước đầu. Để thành công hơn nữa, phát triển bền vững, góp phần vào nền nông nghiệp công nghệ cao của cả nước vẫn còn nhiều trở ngại.
Theo phân tích của ông Đỗ Kim Chung, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Với đặc trưng của nông nghiệp thông minh thì Việt Nam còn quá nhiều hạn chế. Trong khi cả nước có tới 9,5 triệu hộ nông dân, 69% số hộ trong đó lại có quy mô diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5 ha. Lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các nguồn lực lao động khác trong xã hội và phần lớn chưa được đào tạo theo đúng chuyên môn của mình nên hạn chế trong tiếp cận trình độ khoa học tiên tiến. Ngoài ra thiếu vốn cũng là nguyên nhân lớn trong khi chính sách hỗ trợ của nhà nước lại đang tiếp tục hỗ trợ cho diện tích lớn và “người giàu”, không đi đúng đối tượng nông dân. Hầu hết nông dân đang sản xuất độc lập, thiếu sự liên kết. Một điểm quan trọng nữa là trong cách hiểu về nông nghiệp thông minh tại Việt Nam là đang tập trung đầu tư vào nhà kính còn phần software (phần mềm) để số hóa nông nghiệp thì chưa được chú trọng.
Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Nông nghiệp An Việt – nhà phân phối sản phẩm nông nghiệp từng chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp đồng thời cũng là hạn chế trong việc triển khai NNCNC ở Việt Nam. Theo đó, ông Nam cho rằng việc liên kết trao đổi thông tin giữa người sản xuất và tiêu dùng còn quá ít do đó nhiều khi doanh nghiệp làm dịch vụ ở các thành phố lớn không biết được địa phương có sản phẩm tốt nào để phân phối trực tiếp. Sản phẩm bị qua nhiều khâu trung gian dẫn đến giá thành sản phẩm cao hoặc không có cơ sở để chốt giá hợp lý cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng theo ông Nam, sự thiếu minh bạch trong sản phẩm (sản phẩm không có dán mác, hoặc bị ăn cắp bản quyền sản phẩm) dẫn đến người làm NNCNC nản bỏ cuộc. Đây cũng là điều gây khó khăn cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng nông sản, thực phẩm. Doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như không có nguồn hàng đảm bảo thường xuyên.
Vậy đâu là giải pháp?
Ông Đỗ Kim Chung cho rằng cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới đầu tư công và dịch vụ công theo hướng chuyển nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất đai và lao động giá rẻ sang nền nông nghiệp đổi mới và sáng tạo; đầu tư một chương trình công nghệ nông nghiệp 4.0 phát triển bởi người Việt Nam (made by Vietnam) và cần đầu tư nghiên cứu phát triển nhân lực để nhanh chóng tiếp thu, làm chủ các công nghệ nhập khẩu. Điều quan trọng nữa là cần tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp thông minh, phục vụ số hóa nông nghiệp.
Ông Chung cũng đề xuất cần khuyến khích đổi mới đổi sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực chế tạo vật liệu, giống, chế biến, marketing,… đổi mới phương thức đào tạo bằng cách tích hợp các xu hướng và thành tựu của CMCN 4.0 để cập nhật vào bài học, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động nông nghiệp,…
Ở góc độ vừa là doanh nghiệp vừa là nhà khoa học, ông Bùi Xuân Hồi – Phó tổng Giám đốc Tập đoàn GFS, kiêm Viện phó Viện công nghệ GFS thì cho rằng muốn làm NNCNC thành công ở góc độ doanh nghiệp cũng như ở quy mô quốc gia thì không chỉ có quyết tâm, đam mê mà phải thay đổi tư duy. Doanh nghiệp đã làm NNCNC thì phải có quy mô lớn, quy mô công nghiệp, cần có sự hỗ trợ của công nghệ từ khâu gieo trồng đến phân bón, thu hoạch, chế biến, phân phối,… Doanh nghiệp phải làm theo chuỗi, không kiểm soát được chuỗi là thất bại. Ông Hồi cũng cho rằng nhiều người nói cần liên kết 4 nhà nhưng theo ông dù nhà khoa học là trong doanh nghiệp hay ngoài doanh nghiệp phải coi là một để nghiên cứu phục vụ đúng theo nhu cầu doanh nghiệp.
Để làm được NNCNC đúng nghĩa, đúng mục tiêu tạo ra được sản phẩm nông nghiệp “made by Vietnam” chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đòi hỏi sự đồng bộ trong cơ chế chính sách vĩ mô cũng như sự quyết tâm và tìm tòi học hỏi từ người làm. Trong đó, khoa học không nghệ đóng vai trò không thể thiếu.
Trong chuyên đề về ICT và tự động hóa trong NNCNC, ông Dương Trọng Hải đã đưa ra một hệ sinh thái toàn diện cho NNCNC trong đó ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) đóng vai trò kết nối, điều khiển dày đặc các hoạt động của NNCNC, đảm bảo một chu trình khép kín và toàn diện từ quản lý vĩ mô đến nhóm sản xuất, nhóm kinh doanh, nhóm nghiên cứu. ICT có thể tham gia giám sát yếu tố môi trường, điều khiển từ xa thiết bị phục vụ canh tác, lập lịch hỗ trợ canh tác, quản lý tài nguyên,…
Ông Trần Anh Quân đến từ Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) cũng đề cao khái niệm nông nghiệp số. Theo ông Quân, để có nông nghiệp thông minh cần có vai trò của máy nông nghiệp. Trước đây chúng ta mới chỉ tối ưu hóa hóa máy nông nghiệp bằng bán tự động hay tự động hóa nhưng nay phải tối ưu kết nối máy nông nghiệp để máy móc trở nên thông minh hơn. Nông nghiệp thông minh không chỉ là IoT mà cao hơn phải là IIoT, tức phải có các tiêu chuẩn truyền thông công nghiệp tham gia vào, phải có dữ liệu lớn.
Trà Giang