Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Chiến lược năng lượng Hydrogen.
• Lễ phát động chiến dịch “Race to Net Zero”: Cùng nhau hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Việc phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị sớm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Định hướng phát triển lĩnh vực hydrogen được nhấn mạnh trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023), đủ để cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của lĩnh vực này đối với định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hdrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý
Về sản xuất năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030, triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong: Sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam; thu giữ/sử dụng carbon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí,…); phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 – 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.
Định hướng đến năm 2050, tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến; phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 10 – 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Về sử dụng năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030, từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen phù hợp và đồng bộ với lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại và dân dụng.
Đến năm 2050, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen xanh và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng để khử carbon nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050. Hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh với các dạng năng lượng khác. Phấn đấu tỷ trọng năng lượng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.
Việt Nam cũng khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng – an ninh và hiệu quả kinh tế. Định hướng đến năm 2050, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.
Hà An – Hà Anh