Sau khi thắng giải Sáng kiến Khoa học năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh của trường Đại học VinUni đã áp dụng công nghệ in 3D phẫu thuật nội soi xương vào ứng dụng thực tế. Giải pháp này được các chuyên gia đánh giá cao, có ý nghĩa lớn trong bước tiến của ngành y học, hứa hẹn mở rộng sẽ cơ hội khám chữa cho người bệnh.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Tháng 12/2021, Trung tâm công nghệ 3D trong Y học được thành lập. Khi ấy ý tưởng về các sản phẩm ứng dụng công nghệ 3D trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và ngoại khoa cùng nhiều ngành khác vẫn còn trong giai đoạn phôi thai.
Đến với Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022, BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh cho biết, khi mang ý tưởng này đến với cuộc thi, bản thân ông cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp việc cải tiến về thiết kế sao cho nhỏ, gọn dễ làm, cùng với tối ưu giá thành và tiếp cận tới nhiều người hơn. “Phẫu thuật u nang xương sên cần giải pháp định vị chính xác trong không gian 3D. Việc tạo ra các mô hình thiết bị dẫn đường phẫu thuật trên phần mềm máy tính, đảm bảo chính xác tuyệt đối nhằm tránh tổn thương cho bệnh nhân”. BS Hiếu chia sẻ.
Sau cuộc thi, nhờ các đóng góp của Hội đồng giám khảo, công nghệ thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D đã có những cải tiến đáng kể về thiết kế và hiệu quả phẫu thuật. Đây được xem là kỹ thuật và sáng chế chưa từng được thực hiện tại Việt Nam, đồng thời cũng chưa có nghiên cứu nào trên thế giới công bố kỹ thuật tương tự. Sản phẩm đã lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2022 và xuất sắc giành giải Quán quân.
Tại cuộc thi, Trung tâm công nghệ in 3D trong Y học bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục tham gia các sản phẩm mới này tại mùa 2 của Sáng kiến khoa học, nhằm mở rộng hơn về đưa ứng dụng công nghệ 3D vào thực tiễn.
Ứng dụng công nghệ vào thực tiễn
Với công nghệ in 3D, Bác sĩ Hiếu cho biết, giải pháp này hỗ trợ bệnh nhân hồi phục rất nhanh, không đau, biên độ gập duỗi gối cải thiện, quay về cuộc sống sinh hoạt bình thường đạt >90% so với các nghiên cứu thay khớp thông thường chỉ đạt 60-70%. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa được in bằng 3D có thể tiếp xúc với mô của bệnh nhân. “Chúng tôi cũng sử dụng công nghệ in 3D để in ra các khớp gối, khớp háng có bề mặt hoàn toàn trùng khớp để đặt thiết bị dẫn đường phẫu thuật cho mỗi bệnh nhân với từng tổn thương chỉ đặc trưng riêng cho người bệnh đó”. BS Hiếu chia sẻ.
Như vậy, các bệnh viện có thể sử dụng các dụng cụ mổ vừa khít với giải phẫu của người Việt, mỗi ca bệnh sẽ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân 2 lần: phẫu thuật “trước mổ” trên mô hình giải phẫu kết hợp với trợ cụ dẫn đường và phẫu thuật trên bệnh nhân với chính khay cắt PSI đã được thiết kế và sản xuất bằng công nghệ 3D.
Trong lĩnh vực chỉnh hình mũi trẻ sơ sinh hở hàm ếch, mô hình giải phẫu bệnh lý các ca bệnh tim phức tạp, mô hình chấn thương sọ não cũng được ứng dụng công nghệ 3D trong chấn thương chỉnh hình.
Thanh Nga