Hiện nay, các cơ quan báo chí đang đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng do phần lớn nguồn thu từ quảng cáo đã chuyển sang các nền tảng mạng xã hội. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu của các Đài Phát thanh Truyền hình năm 2023 đã giảm 20% so với năm 2022. Đặc biệt, trong hai năm dịch Covid-19, doanh thu còn giảm mạnh hơn, từ 30-40%. Sự sụt giảm này đã tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan báo chí đang thực hiện tự chủ hoặc tự chủ một phần trong hoạt động.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Chiều 12/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình thêm trước Quốc hội về một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Liên quan đến vấn đề báo chí, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để báo chí phát triển, thời gian tới, cần hoàn thiện Luật Báo chí và các luật có liên quan. Tăng cường đào tạo, tập huấn để báo chí theo kịp công nghệ, tính thời đại; định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính thống, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao.
Đồng thời, cần tăng cường quản lý để các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ của từng báo, tạp chí; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đổi mới và tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí. Điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của báo in, báo điện tử xuống 10% để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh ngân sách cấp, ngân sách hỗ trợ và đặt hàng với những thủ tục đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời tăng cường thu nhập từ quảng cáo; hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí.
Về mạng xã hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần khuyến khích mạng xã hội phổ biến tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, những kinh nghiệm hay, triệt tiêu các vấn đề sai trái, vi phạm pháp luật.
Nêu giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc cần thực hiện là hoàn thiện pháp luật để quy định chặt chẽ các hành vi không được làm ; quy định trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức chủ nền tảng mạng xã hội cũng như cơ quan quản lý, áp dụng công nghệ hiện đại như AI để quản lý…
Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo chí hiện đang gánh vác nhiệm vụ chính trị quan trọng, là kênh thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội, đồng thời là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Với vai trò chính trị quan trọng này, báo chí cần được hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi về nguồn lực để có thể phát triển. Một trong số các chính sách đó là ưu đãi về thuế. Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí xuống 15% là một sự hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đủ để tháo gỡ khó khăn; cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập DN, các cơ quan báo chí (trừ báo in) phải chịu mức thuế suất phổ thông là 20%. Mức thuế này đã tạo ra sự chênh lệch giữa các loại hình báo chí, gây khó khăn cho báo điện tử và các loại hình khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn thu.
Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 04 Chương, 20 Điều, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8.
Một trong những điểm mới của dự án Luật là bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in.
Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Trước đó, vào ngày 23/9, nêu ý kiến tại phiên họp phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả loại hình cơ quan báo chí xuống 10%, bằng một nửa mức phổ thông.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả loại hình cơ quan báo chí xuống 10%. |
Hiện nay, các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn.
"Các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan Nhà nước. Chúng tôi đề nghị có một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay", ông Vinh nêu ý kiến.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính diễn ra ngày 27/9, trả lời về quan điểm của Bộ Tài chính về mức thuế ưu đãi với cơ quan báo chí tại dự thảo thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, ông Trương Bá Tuấn - phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí - cho biết ngày 6/9, Chính phủ có tờ trình Quốc hội về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi với nhiều nội dung, trong đó có ưu đãi thuế và có lĩnh vực báo chí.
"Trước tình hình thực tế khó khăn của các cơ quan báo chí khi thu nhập sụt giảm, trên cơ sở ý kiến các cơ quan báo chí và một số bộ ngành, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phương án bổ sung ưu đãi thuế đối với lĩnh vực báo chí.
Bộ Tài chính bổ sung báo chí vào lĩnh vực được ưu đãi thuế. Lĩnh vực báo chí gồm báo in và các loại hình báo khác. Nên thuế thu nhập đối với báo in là giữ như hiện hành mức thuế suất 10%. Đây là mức ưu đãi cao nhất rồi.
Tới đây, chính sách sẽ ưu đãi với các loại hình báo khác với mức thuế suất 15% thay vì hiện nay là 20%" - ông Tuấn thông tin.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính lắng nghe đề xuất của cơ quan báo chí.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi để đề xuất lên cơ quan thẩm quyền chính sách ưu đãi đảm bảo hài hòa, hỗ trợ cho cơ quan báo chí.
Theo báo cáo mới đây của Bộ TT&TT, trong quý 3 năm 2024, doanh thu của nhiều tờ báo tiếp tục sụt giảm mạnh. * Tổng doanh thu báo Công An Nhân Dân ước đạt hơn 22 tỉ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2023; báo Dân Trí có doanh thu hơn 10,2 tỉ đồng, giảm 22%; báo Người Lao Động đạt doanh thu 19,5 tỉ đồng, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2023; báo Lao Động doanh thu đạt 96% so với kế hoạch... * Lợi nhuận của nhiều tờ báo cũng giảm. Lợi nhuận của báo Dân Trí trong quý 3 năm nay ước đạt chỉ 20 triệu đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2023; báo Nông Thôn Ngày Nay chỉ đạt lợi nhuận... 30 triệu đồng, giảm đến 70,9% so với cùng kỳ năm 2023... * Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) ước đạt 427 tỉ đồng, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2023. Báo Dân Trí đạt doanh thu hơn 19,1 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận ước đạt 130 triệu đồng, giảm 15%. * VnExpress có doanh thu tính đến hết tháng 5-2024 là 63,2 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận đạt gần 12,7 tỉ đồng, giảm đến 60%... * Theo báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi các đài phát thanh - truyền hình giảm đến 23%. Doanh thu giảm sút kéo theo thu nhập của những người làm báo chân chính cũng giảm mạnh đến mức rất khó khăn để trang trải các chi phí cuộc sống thường nhật. |