Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và giới thiệu định hướng hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Natif) trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025”.
• Xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
• Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương; các doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ giai đoạn vừa qua; các đối tác ngân hàng, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Quỹ trong giai đoạn 2021 – 2025.
Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển có trình độ công nghệ tiên tiến và hiện đại cho thấy, các quỹ đổi mới công nghệ Chính phủ thành lập để tài trợ, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua các dự án đổi mới công nghệ dưới hình thức tài trợ, cho vay, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh vay vốn. Tại Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới; ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại, đưa công nghệ trở thành phương tiện, công cụ chủ yếu để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đặc biệt tạo ra giá trị gia tăng mới cho hàng hóa.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, đổi mới công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Sau 5 năm hoạt động, Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia đã trợ giúp nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Trong báo cáo hoạt động giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Đình Bình, giám đốc cơ quan điều hành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho biết, Quỹ đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo tinh thần phục vụ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ. Quỹ đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất. Quỹ tâp trung ưu tiên xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các đối tượng được Quỹ xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào các ngành như nông nghiệp, công nghiệp, Y-Dược,… Nhiều nhiệm vụ Khoa học-Công nghệ do Quỹ xem xét, tài trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chưa thể triển khai các hoạt động hỗ trợ tín dụng. Do chính sách không đồng bộ nên từ tháng 01 năm 2018 đến nay, Quỹ đã dừng không nhận và xem xét các đề xuất nhiệm vụ mới từ doanh nghiệp.
Định hướng giai đoạn 2021-2026, Quỹ đặt mục tiêu ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế của đất nước. Trong mục tiêu 5 năm tới, Quỹ sẽ triển khai các hoạt động chính như: Cho vay ưu đãi; Hỗ trợ vốn bằng nguồn kinh phí của Quỹ và hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; Hợp tác trong và ngoài nước về đổi mới công nghệ; Hỗ trợ lãi suất vay vốn; Tiếp nhận vốn viện trợ, đóng góp; Bảo lãnh để vay vốn.
Đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, Quỹ tiếp nhận trên 1000 đề xuất, ý tưởng cần sự hỗ trợ tài chính để triển khai các nhiệm vụ, dự án về đổi mới công nghệ; phân loại, lựa chọn, tư vấn trên 300 nhiệm vụ, dự án để xem xét hoặc tuyển chọn cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn hoặc hỗ trợ vốn.
Trong thời gian tới, Quỹ sẽ ký hợp tác, liên kết ít nhất với 04 ngân hàng thương mại, 10 hiệp hội doanh nghiệp, các quỹ, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cùng đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Cũng tại hội thảo, đại diện các ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức đã cùng nhau chia sẻ, đóng góp ý kiến nhằm giúp Quỹ đổi mới sáng tạo khi quỹ bước sang giai đoạn mới, với nhiều thuận lợi mới, có thể tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp một cách hiệu quả cũng như hoàn thành sứ mệnh do Chính phủ giao phó.
Duy Anh
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ 2015, vừa là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, vừa là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.