Sacombank tích lũy gần 25.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính đạt hơn 18.432 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu đến từ thu nhập lãi cho vay khách hàng hơn 33.000 tỷ đồng, thu nhập từ chứng khoán đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi khác cũng ghi nhận tăng trưởng như hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt hơn 830 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, mua bán chứng khoán đầu tư hơn 45 tỷ đồng, tăng 5%. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 2.014 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng thu nhập hoạt động tại Sacombank (TOI) đạt 21.267 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, góp mặt trong Top 10 ngân hàng có tổng thu nhập cao nhất ngành.
Đồng thời, chi phí hoạt động tại Sacombank ghi nhận hơn 10.800 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng 5% đạt hơn 10.435 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Sacombank được tiết giảm 26% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 2.341 tỷ đồng.
Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm tại Sacombank đạt hơn 8.094 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III/2024, lợi nhuận trước thuế tăng gần 32%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất ngành ngân hàng.
Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 9/2024, Sacombank tích lũy gần 25.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, đánh dấu mức cao nhất trong gần một thập kỷ tái cấu trúc.
Triển vọng chia cổ tức của Sacombank trong năm 2025 đang trở nên sáng hơn nếu quá trình đấu giá cổ phần liên quan đến nhóm ông Trầm Bê được hoàn tất. Đây là động lực lớn, không chỉ giúp củng cố sức hút của cổ phiếu STB với nhà đầu tư mà còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc của ngân hàng.
Theo Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, yếu tố chính làm chậm tiến trình chia cổ tức là Sacombank vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu sau sáp nhập và cần xử lý khoản nợ lớn liên quan đến 32,5% cổ phần của ông Trầm Bê, cựu Phó Chủ tịch Sacombank. Khoản cổ phần này hiện do Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và dự kiến sẽ được xử lý thông qua hình thức bán đấu giá công khai.
Sacombank - Top 5 ngân hàng có tiền gửi khách hàng lớn nhất ngành
Tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản tại Sacombank mở rộng 4% so với đầu năm, đạt hơn 702.985 tỷ đồng, xếp hạng vị trí thứ 7 toàn ngành về quy mô tổng tài sản. Trong đó, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước tăng từ 12.848 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 15.451 tỷ đồng; cho vay khách hàng cũng tăng 9% lên hơn 525.493 tỷ đồng.
Bảng cân đối cũng cho thấy, tiền gửi khách hàng tại Sacombank đạt 566.724 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; phát hành giấy tờ có giá hơn 34.706 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.
Như vậy, trong số 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 (không bao gồm Agribank), Sacombank hiện đứng thứ 5 toàn ngành về huy động tiền gửi của khách hàng nhiều nhất 9 tháng đầu năm 2024, sau BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MB.
Đặc biệt, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các nhà bằng đều giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại Sacombank được cải thiện đáng kể, tăng 6 điểm % so với đầu năm, đạt 75%, nằm trong Top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành.
Ở một diễn biến khác, Sacombank vừa công bố thông tin về các cổ đông lớn sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh và người liên quan hiện nắm giữ lần lượt 62,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,32%) và gần 11,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,63%). Trong số các cổ đông tổ chức, đáng chú ý là hai quỹ ngoại: Pyn Elite Fund (nắm hơn 125,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,68%) và Norges Bank (quỹ thành viên Dragon Capital - nắm gần 21,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,13%).
Được biết, Quỹ Norges Bank đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2013 thông qua Norges Bank Investment Management (NBIM). Đến cuối năm 2019, quỹ này sở hữu danh mục trị giá gần 500 triệu USD gồm 43 cổ phiếu lớn như VCB, VHM và MWG. Tại bất kỳ cổ phiếu nào, Norges Bank thường duy trì tỷ lệ sở hữu dưới 3% nhằm đảm bảo sự thận trọng và tránh bị chi phối quá sâu vào quản trị doanh nghiệp.