Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị |
Trên đây là ý kiến phát biểu của ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tại Hội nghị Đối Thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố diễn ra ngày 8/11/2024.
Hội nghị do ITPC phối hợp với BHXH Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm phổ biến quy định của pháp luật và giải đáp các câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về trích nộp BHXH và giải quyết các chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố. Đây cũng là Hội nghị Đối thoại trực tiếp lần thứ 252 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Cơ quan BHXH Thành phố là thành viên gắn bó với Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố kể từ khi hệ thống được thành lập năm 2002 cho đến nay. Tính từ năm 2004 (20 năm), BHXH Thành phố đã tiếp nhận và trả lời hơn 4.000 câu hỏi của doanh nghiệp thông qua website của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố và phối hợp với ITPC tổ chức 34 Hội nghị đối thoại trực tiếp, thu hút hơn 8.000 lượt doanh nghiệp tham dự và trả lời hơn 2.900 câu hỏi của doanh nghiệp tại các Hội nghị.
Riêng trong năm 2024, đây là Hội nghị Đối thoại lần thứ 2 do ITPC phối hợp BHXH Thành phố tổ chức với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về chính sách BHXH.
Hội nghị thu hút hơn 350 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 55 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về tham gia BHXH đối với người lao động nước ngoài, mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn (BHTN) lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ BHXH đối với người lao động cao tuổi, các trường hợp tạm dừng đóng BHXH bắt buộc, BHXH đối với người lao động có nhiều quốc tịch, các kiến nghị, đề xuất nhằm đơn giản hóa thủ tục và nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ BHXH cho doanh nghiệp.
Đây là Hội nghị Đối thoại lần thứ 2 trong năm 2024 do ITPC phối hợp với BHXH Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách BHXH. |
Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị, đại diện BHXH Thành phố Hồ Chí Minh còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.
Tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH Nidec Việt Nam Corporation đặt câu hỏi: "Theo nguyên tắc "có đóng có hưởng" thì đối với những người "chưa bao giờ thất nghiệp" khi nghỉ hưu cần giải quyết số năm đóng bảo hiểm thất nghiệp như thế nào? Nếu giữ quan điểm không cho hưởng gì thì Luật việc làm nên thêm mục thưởng cho người làm việc liên tục 20-30-40 năm với các mức thưởng khác nhau dựa trên số năm thực đóng bảo hiểm thất nghiệp được không?
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đặt câu hỏi và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về BHXH tại Hội nghị |
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội, BHXH Thành phố cho biết: Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật việc làm số 38/2013/QH13 thì Bảo hiểm thất nghiệp được định nghĩa như sau: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Về vấn đề này, tương tự như ý kiến của cử tri tại tỉnh Vĩnh Phúc và được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giải thích như sau: BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn (như BHYT), tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm, nhiều người đóng nhưng chỉ có một số ít người mất việc làm mới được hưởng, nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm.
Hiện nay, mức đóng BHTN bình quân tháng là 6.000.000 đồng, một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6.000.000 x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng với 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500% (chưa tính đến hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm). Như vậy, để có kinh phí chi các chế độ BHTN cho một người hưởng tối đa các chế độ thì phải gần 40 người lao động đóng mới đủ. Theo thực tế hiện nay, cứ 12 - 13 người đóng thì có 1 người hưởng.
Nguyên tắc đóng - hưởng trong BHTN là nếu xảy ra rủi ro và đáp ứng đủ điều kiện, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ đền bù về thiệt hại theo từng chế độ cụ thể chứ không phải đóng tiền vào quỹ, nếu không gặp rủi ro sẽ được hưởng lại số tiền đã đóng. Ý kiến còn lại, BHXH Thành phố xin ghi nhận để tham gia góp ý tham gia sửa Luật việc làm.