Dấu ấn thị trường thế giới
PC công nghiệp được xây dựng để hoạt động trong các điều kiện khó khăn như biến đổi nhiệt độ cao, độ ẩm cao và bụi. So với máy tính để bàn, PC công nghiệp mang lại trải nghiệm người dùng tương tác và được sử dụng cho cả mục đích cá nhân và chuyên nghiệp liên quan đến tính toán, lưu trữ và kết nối. Về độ tin cậy, khả năng tương thích, khả năng đa dạng hóa và nguồn cung cấp tương lai, PC công nghiệp mang lại những lợi thế riêng biệt so với PC thông thường. Điều khiển quy trình và/hoặc thu thập dữ liệu là các ứng dụng chính cho PC công nghiệp.
Thị trường PC công nghiệp toàn cầu năm 2024 cho thấy xu hướng tăng trưởng ổn định và mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Về quy mô, năm 2024, thị trường PC công nghiệp dự kiến đạt giá trị 5,95 tỷ USD, tăng từ 5,57 tỷ USD năm 2023, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,8%.
Những yếu tố được cho là tác động mang tính thúc đẩy đến tăng trưởng của thị trường PC công nghiệp đó là xu hướng chuyển đổi số, phát triển xanh. Cách mạng Công nghiệp 4.0, IoT, AI và dữ liệu lớn đang thay đổi cách vận hành các thiết bị công nghiệp, đẩy mạnh nhu cầu sử dụng thiết bị hiện đại. Các chính sách năng lượng tái tạo và sản xuất xanh đang thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực thiết bị liên quan đến bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, những thách thức từ chuỗi cung ứng toàn cầu đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị tự động hóa và tối ưu hóa sản xuất để giảm phụ thuộc vào lao động và nguyên liệu nhập khẩu.
Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu tự động hóa, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí lao động và việc tích hợp công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và Học máy (ML) vào vận hành các nhà máy sản xuất công nghiệp thông minh (smart factories) làm tăng nhu cầu sử dụng PC công nghiệp để nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý. Các lĩnh vực như hàng không, năng lượng, giao thông, dầu khí, công nghiệp thực phẩm…, đang đẩy mạnh việc sử dụng PC công nghiệp nhờ tính năng linh hoạt, bền bỉ và khả năng xử lý dữ liệu theo thời gian thực.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng thị trường PC công nghiệp nhanh nhất nhờ vào sự mở rộng của ngành sản xuất tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Các yếu tố như công nghệ mới, chính sách hỗ trợ và nhu cầu về hiệu suất cao hơn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.
Tại thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ, các doanh nghiệp công nghiệp trong khu vực đang tập trung vào việc áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm cải thiện quy trình sản xuất và tăng năng suất. Hơn nữa, các thị trường ứng dụng phát triển nhanh nhất cho PC công nghiệp bao gồm ô tô và các ngành công nghiệp rời rạc khác như hàng không và quân sự, thiết bị y tế và thiết bị điện tử, điều này đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường PC công nghiệp trong khu vực. Hơn nữa, việc chi tiêu tăng về công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tự động hóa công nghiệp đang tăng nhu cầu về PC công nghiệp trong khu vực này.
Ở châu Âu, do sự gia tăng việc áp dụng quy trình tự động hóa trong hoạt động công nghiệp và xu hướng mở rộng số hóa trong ngành công nghiệp chế tạo tại các nước trong khu vực, đặc biệt là Vương quốc Anh, Đức và Pháp, dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường PC công nghiệp.
Dự kiến thị trường PC công nghiệp sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể do các công ty sản xuất liên tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ sản xuất. Các chính phủ trên toàn thế giới đã và đang triển khai các biện pháp khuyến khích sử dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Điều này đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường PC công nghiệp. Thị phần thị trường PC công nghiệp toàn cầu dự kiến đạt giá trị 11,83 tỷ USD vào năm 2032, với tỷ suất tăng trưởng hàng năm là 9,63%.
Bức tranh của Việt Nam
PC công nghiệp hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
PC công nghiệp được sử dụng trong các hệ thống sản xuất tự động, đặc biệt là trong ngành điện tử, chế tạo kim loại, và sản xuất vật liệu. Những hệ thống này hỗ trợ điều khiển và giám sát quá trình sản xuất, đảm bảo độ chính xác và hiệu suất cao. Về quản lý năng lượng, trong các dự án năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió, PC công nghiệp giúp giám sát và tối ưu hóa hoạt động của các hệ thống năng lượng tái tạo. Điều này giúp tăng hiệu suất và giảm thiểu lãng phí năng lượng.
Các giải pháp quản lý giao thông thông minh tại Việt Nam đang ứng dụng PC công nghiệp để tối ưu hóa hệ thống vận hành giao thông và đảm bảo an toàn, như trong các trạm thu phí tự động hoặc hệ thống giám sát phương tiện giao thông. PC công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và quản lý các thiết bị IoT trong sản xuất, giúp cải thiện hiệu quả và khả năng theo dõi toàn bộ quá trình vận hành trong thời gian thực.
Việc áp dụng PC công nghiệp tại Việt Nam trong quản lý sản xuất và điều khiển hệ thống đang ngày càng phát triển nhờ xu hướng như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ IoT, và trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn nằm ở chi phí đầu tư ban đầu cao và yêu cầu kỹ thuật phức tạp để vận hành hiệu quả các hệ thống này. Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường đầy tiềm năng với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp quốc tế. Đặc biệt, PC công nghiệp có vai trò quan trọng trong các ngành như dầu khí, năng lượng, y tế, và logistics, nơi yêu cầu khả năng hoạt động ổn định và bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt.
Dự kiến, thị trường này sẽ tiếp tục mở rộng khi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tự động hóa để cạnh tranh tốt hơn trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Được biết, chính sách của nhà nước Việt Nam hiện nay đang có tác động tích cực đến thị trường PC công nghiệp và thiết bị công nghiệp hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của các ngành này qua nhiều biện pháp. Theo đó, các khoản vay ưu đãi và khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ sẽ được triển khai, tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và đầu tư vào các dây chuyền hiện đại hơn. Các chính sách khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất máy móc và thiết bị công nghiệp, giúp tiếp nhận công nghệ tiên tiến và nâng cao tiêu chuẩn sản xuất. Những chương trình chiến lược như chuyển đổi số quốc gia đang hỗ trợ mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và sản xuất, đặc biệt ở các khu vực công nghiệp trọng điểm.
Tuy nhiên, còn một số thách thức như năng lực cạnh tranh thấp, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế và hạn chế trong cơ chế hỗ trợ đổi mới công nghệ. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng chính sách hiện hành để cải tiến quy trình và tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị.