Việt Nam hiện có 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Khối doanh nghiệp này đóng góp tới 40% GDP. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vừa chỉ chiếm khoảng 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Nhóm này đang gặp rất nhiều khó khăn như khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm trong quản trị điều hành, cập nhật các công nghệ tiên tiến, dẫn đến thiếu năng lực cạnh tranh trong mắt xích chuỗi cung ứng toàn cầu.
• Thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số
• Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay tìm đầu mối tiếp cận chương trình hỗ trợ
So với Thái Lan và Malaysia, Việt Nam chỉ khoảng 21-22% SME đạt chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.
Hậu đại dịch Covid-19, các SME Việt Nam đang đứng trước áp lực cần phục hồi mạnh mẽ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố ngày 29/6 cho thấy, trong khi 6 tháng đầu năm 2022 có 40.667 doanh nghiệp quay lại hoạt động (tăng 55,6% so với cùng kỳ năm trước), thì vẫn có đến 74.982 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, 8.588 doanh nghiệp giải thể.
Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghiệp và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2022 vừa diễn ra chiều ngày 29/6 tại Hà Nội, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, nếu như trong thời điểm dịch Covid-19 cao điểm tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phải bỏ đơn hàng, mất đơn hàng vì thiếu nhân lực, thiếu nguồn cung đầu vào, thì nay chỉ mong ngày càng ít doanh nghiệp phải bỏ cuộc chơi, thay vào đó là ngày càng nhiều doanh nghiệp vực dậy được, để chứng minh với thế giới rằng Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Dẫn đầu xu hướng cùng nhà máy tinh gọn
Những khó khăn của doanh nghiệp sau đại dịch, theo chia sẻ của bà Trương Thị Chí Bình nằm ở ba vấn đề lớn là nguồn cung đầu vào, giá cao và nhân lực. Trong đó, nhân lực là vấn đề không hề nhỏ, đặc biệt thiếu trầm trọng nhân lực quản lý tầm trung. Các doanh nghiệp gần như phải săn lùng nguồn nhân lực này bên cạnh đó phải cấp tốc đào tạo nhân viên cấp dưới trở nên đa năng hơn. Theo bà Bình, nếu như trước đây chuyên môn hóa lao động là mục tiêu của doanh nghiệp thì nay do thiếu nhân lực nên nhân viên cần phải biết làm nhiều đầu việc hơn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành kinh tế (trên tổng 21 ngành) với tổng số vốn 14 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký và là ngành liên tiếp tăng trưởng cao nhất từ đầu năm. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp SME Việt Nam nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị ngay trong thị trường nội địa.
Công nghệ luôn là chìa khóa tháo gỡ cho doanh nghiệp khi muốn vực dậy, bứt phá. Ngay tại Tọa đàm: Sản xuất 4.0 và Tăng trưởng bền vững tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Dẫn đầu xu hướng cùng Nhà máy tinh gọn trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghiệp và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2022, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, ngoài sự hỗ trợ đắc lực từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò kết nối, tư vấn, của các hiệp hội cũng góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp có thể tìm được đường đi hợp lý. Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Mạnh Cường, các doanh nghiệp không nên bỏ qua cơ hội mà thành quả của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại, cần nâng cao năng lực quản trị, áp dụng công nghệ mới để tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng tiêu chí toàn cầu. “Doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn cần đi theo tiêu chuẩn, đặc biệt với các thị trường lớn”. Một trong những giải pháp công nghệ chính là bước vào tiến trình chuyển đổi số để tiến tới những nhà máy thông minh trong tương lai. Bởi vì theo ông Cường, đứng trên vai người khổng lồ (các doanh nghiệp công nghệ lớn của nước ngoài) mà tham gia được vào chuỗi giá trị phục vụ tốt thị trường nội địa cũng là thành công và không phải cứ nói đến chuyển đổi số và nhà máy thông minh là doanh nghiệp SME Việt Nam không với tới. Nếu có định hướng, có lộ trình, có quyết tâm làm từng bước ắt sẽ có chuyển biến tốt.
Đánh giá cao vài trò của sự tinh gọn trong thời kỳ sản xuất mới, ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc, P&Q Solutions Co., Ltd cho rằng: “Đại dịch Covid-19 đã phơi bày các lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Giờ đây, các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng. Đối mặt với những thách thức chưa từng có đó, chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn cho các nhà sản xuất – đó là vấn đề mang tính quyết định sự “tồn tại” trong tương lai của các doanh nghiệp.”
Kết nối để nắm bắt xu hướng công nghệ là chìa khóa
Sau 2 năm đỉnh điểm của dịch Covid-19, thông tin thị trường, công nghệ là một trong những thứ mà doanh nghiệp muốn tìm kiếm nhất. “Để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng. Hoạt động xúc tiến thương mại tốt nhất chính là tham gia các sự kiện triển lãm quốc tế”. Ông Savi Phan Ngân, Giám đốc Dự án VME, RX Tradex nhận định.
Đồng quan điểm, nhiều diễn giả tọa đàm cũng cho rằng, tham gia các hội chợ triển lãm công nghệ quốc tế để biết các doanh nghiệp công nghệ họ đang tạo ra những xu hướng công nghệ nào, mình đang ở đâu, từ đó có hoạch định cho doanh nghiệp mình.
Bảo Hà
Diễn đàn Công nghiệp và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2022 là hoạt động tiền Triển lãm công nghiệp quốc tế – Vietnam Manufacturing Expo (VME 2022) do RX Tradex Việt Nam, nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á đã phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp Hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn năm nay bao gồm Tọa đàm Sáng kiến Doanh nghiệp và Cập nhật công nghệ chiều ngày 29/06, Lễ ký kết hợp tác thực hiện Dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp (Business Innovation Zone) và Chương trình Chuyến đi tham quan nhà máy chủ đề Sản xuất tinh gọn ngày 30/06/2022.