Ngày 15/4, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011 – 2020”.
Theo báo cáo của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, trong giai đoạn 2011 – 2020, giá trị giao dịch công nghệ tăng bình quân 22%/năm. Trong đó, nhiều ngành tăng trưởng cao như: điện, điện tử máy tính (46%); chế biến gỗ, giấy (29%); chế biến thực phẩm (28%).
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, để có được những kết quả trên phải kể đến sự nỗ lực của các nhà hoạch định và nhà thực thi chính sách. Điển hình trong công tác hoàn thiện môi trường pháp lý, thể chế hóa được định hướng của Quốc hội và Chính phủ, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với hàng loạt giải pháp quan trọng khác.
Trong công tác phát triển tổ chức trung gian, cả nước hiện có hơn 800 sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Trong đó, sàn giao dịch công nghệ tăng mạnh, giai đoạn 2015 – 2020 hình thành được 20 sàn địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng đồng bằng Sông Cửu Lưng đang trong giai đoạn thành lập.
Một số mô hình tổ chức trung gian cũng ra đời tại các trường đại học, viện nghiên cứu như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Tp. HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam,… với nhiều hoạt động chuyển giao. Ví dụ, ĐH Bách khoa Tp. HCM có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2009 – 2019; ĐH Bách khoa Hà Nội đã thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh số trung bình khoảng 25 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2010 – 2020.
Hà Anh