Đại diện Ban tổ chức tọa đàm cho biết, tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Theo đó, TP.HCM đang triển khai Trung tâm tài chính quốc tế và Sở KH&CN TP.HCM được giao mời cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo lĩnh vực fintech, công nghệ cùng tham gia toạ đàm này để tham vấn các kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực Fintech nhằm hỗ trợ phát triển, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế của Thành phố trong tương lai.
Phát biểu đề dẫn, TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM khẳng định, mọi ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học, cộng đồng đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp công nghệ cũng như nhà đầu tư tài chính tại tọa đàm sẽ là những thông tin quan trọng, giúp Thành phố có thêm những cơ sở chắc chắn để xây dựng, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về một cơ chế đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch CLB Fintech Việt Nam cho rằng, để trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM vận hành tốt thì cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề hạ tầng, mà hạ tầng đó không chỉ là sự ổn định về đường truyền Internet, mà cần nghĩ rộng ra đó là hạ tầng dự phòng (backup) và hạ tầng của cả hệ sinh thái cho trung tâm tài chính đó, từ sinh sống cho đến làm việc.
"Hay nói cách khác, chúng ta phải đảm bảo nơi đến đủ điều kiện, từ hạ tầng, cơ chế và cả con người", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch CLB Fintech Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh Châu Anh |
Tán đồng quan điểm với ông Thắng, đại diện Hội Công nghệ cao TP.HCM cũng cho rằng, sự đảm bảo về hạ tầng là vô cùng quan trọng.
Liên quan đến vấn đề kỹ thuật và công nghệ, ông Thắng cho rằng, để một trung tâm tài chính mang tầm quốc tế vận hành, chúng ta cần phải có những hệ thống thanh toán bù trừ, và thậm chí cần phải một số chính sách về tài sản số, thậm chí về tiền số.
Cần quan tâm đến sandbox
TS. Đào Hà Trung - Lãnh sự danh sự Cộng hòa Áo, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, đối với một trung tâm tài chính quốc tế thì cơ chế thử nghiệm (sandbox) cần thiết, bởi lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến thuế, tiền tệ, pháp lý, vì thể mọi thứ phải rõ ràng, tách bạch
"TP.HCM cần có cơ chế riêng, cần được chủ động cấp phép cho các sandbox trong lĩnh vực fintech", TS. Đào Hà Trung đề xuất.
Chưa dừng lại ở đó, ông Trung cũng gợi mở một vấn đề, đó là tài chính được quy định cụ thể bằng văn bản, nhưng trong tương lai thì trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn toàn có thể tạo ra các công cụ tài chính mới. Vì thế, các sandbox và chính sách liên quan đến tài chính cho trung tâm này trong tương lai cần rất nhiều sự quan tâm, từ đầu tư đến xác thực tính chính xác.
Theo lời đại diện Hội Công nghệ cao TP.HCM, thì trung tâm trong tương lai, cái khác biệt chính là thông tin, và chúng ta cần nghĩ đến việc trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM phải trở thành Trung tâm giao dịch thông tin. "Mọi thứ đều là thông tin", ông Trung phát biểu, "vì thế, ứng dụng công nghệ cho lĩnh vực fintech và trung tâm tài chính TP.HCM trong tương lai là rất cần thiết".
Ông Phan Hồng Quân - Trưởng ban Hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cần chú trọng thêm suy nghĩ đó là một trung tâm tài chính số. Tuy nhiên, để làm được thì "hệ thống luật phải đảm bảo an toàn cho tài sản số là điều mà các nhà đầu tư quan tâm".
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Quân cho biết, rút kinh nghiệm từ các quốc gia khác, trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là hạ tầng "cứng" mà phải là một hạ tầng "mềm", từ cơ sở hạ tầng đô thị cho đến pháp lý, dịch vụ và công nghệ bên trong.
Châu Anh