Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) được khánh thành vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dù mới 11 năm triển khai công tác đào tạo nghề nhưng đến nay nhà trường đã gây dựng được uy tín trong và ngoài nước, trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo nghề. Điều gì đã tạo nên thương hiệu HHT, NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh – Chủ tịch Hội đồng trường đã có chia sẻ với Tạp chí Tự động hóa ngày nay trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022.
Đầu xuân, chúc mừng nhà trường một năm thành công mặc dù phải đối mặt đại dịch Covid-19. Đặc biệt, năm nay, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao có 2 sinh viên đào tạo hệ Cao đẳng 9+ đạt Tân vương và Á quân trong kỳ thi nghề quốc gia khi mới 17 tuổi. Từ thành tích nổi bật của 2 học viên ông có suy nghĩ gì về cách tiếp cận học nghề hiện nay?
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Năm học 2021 – 2022, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã tiếp nhận trên 80 hồ sơ đăng ký học nghề của những thí sinh có tổng điểm từ 18 – 27, hơn 200 hồ sơ có điểm ngưỡng đầu vào đại học từ 15 điểm trở lên. Điều đó cho thấy công tác hướng nghiệp ngày càng được chú trọng. Nhận thức của học sinh về bậc học cao đẳng, trung cấp cũng đang dần thay đổi. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với nhà trường.
Riêng với hệ đào tạo Cao đẳng 9+, đây không phải là lần đầu tiên, sinh viên hệ 9+ của nhà trường giành giải cao tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia. Sự linh hoạt trong thời gian cũng như chương trình đào tạo của hệ Cao đẳng 9+ đã khiến cho ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn theo học hệ này sau khi tốt nghiệp THCS. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Con đường thông thường của các em là học tiếp bậc THPT, tìm cửa thi vào đại học hoặc nghỉ học tham gia lao động khi chưa trang bị kỹ năng nghề nghiệp gì trong tay. Tuy nhiên, với những nút thắt được tháo dần từ chính sách đến sự năng động của các cơ sở đào tạo, cơ hội cho học sinh tốt nghiệp THCS có thể được vừa học nghề vừa học văn hóa đã mở ra.
Chương trình đào tạo cho cả trung cấp hoặc cao đẳng liên thông từ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS, thường được gọi nôm na là Chương trình 9+, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho rất nhiều học sinh có thể học tập và đào tạo nghề từ rất sớm. Có thể nói đây là một trong những con đường phù hợp với nhu cầu đa dạng của nguồn nhân lực, góp phần giải được bài toán phân luồng sau THCS. Với hệ đào tạo này, trong quá trình học nghề các em đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, phong cách làm việc của doanh nghiệp cũng như đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp. Điều đó giúp các em “tiệm cận” được với kĩ năng nghề và thị trường lao động sớm; tạo đà để đạt được những thành công đáng tự hào ngay khi các em mới chỉ 16,17 tuổi.
Tháng 10/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) vừa có đề xuất triển khai đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Theo ông, đề xuất này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đề xuất thí điểm đào tạo trình độ Cao đẳng dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Theo tôi, đề xuất này phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản,… học nghề sớm là lựa chọn được ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Ở Nhật Bản, mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 rất thành công.
Nhân lực chất lượng cao xét trong bối cảnh hiện nay sẽ cần số lượng khá lớn từ các cơ sở đào tạo nghề. Theo ông, để đáp ứng được nhu cầu xã hội trong bối cảnh mới, tiêu chuẩn nhân lực nghề hiện nay so với 5 năm trước phải như thế nào?
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Trong bối cảnh thay đổi của công nghệ 4.0, hoạt động đào tạo cũng cần chuyển hướng để bắt kịp với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động. Do vậy, so với 5 năm trước, yêu cầu về tiêu chuẩn nhân lực nghề thay đổi rất nhiều. Ngày nay và trong tương lai, lao động ngoài tác phong nghề nghiệp, kĩ năng nghề, còn phải được tiếp cận với khoa học kĩ thuật, trau dồi kiến thức, tiếp cận với công nghệ mới liên tục để đáp ứng được yêu cầu số hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa càng ngày càng cao.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi mạnh mẽ của thế giới việc làm, thị trường lao động và người lao động. Ở phạm vi toàn cầu, những nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 5 năm vừa qua và trong nhiều năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao sẽ làm gì để đáp ứng được các tiêu chuẩn đó?
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Để đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo tại chỗ, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; khuyến khích và thúc đẩy các mô hình sáng tạo, các nhà sáng chế trong nhà trường.
Hơn 11 năm đào tạo nghề, ông có thể cho biết những thay đổi đột phá nào trong công tác đào tạo của nhà trường so với những năm đầu mới thành lập?
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế, khẳng định thương hiệu là một trong những đơn vị đào tạo nghề hàng đầu Việt Nam và vươn tầm quốc tế với nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ như sau:
* Công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên.
Thực hiện mục tiêu “Tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao”, “tuyển sinh là tuyển dụng”, thường xuyên đổi mới công tác tuyển sinh và đào tạo các nghề mới gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, kết quả tuyển sinh của nhà trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Nâng qui mô đào tạo của lên gần 5.000 sinh viên và sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm tới.
Trong công tác đào tạo, thực hiện tốt phương châm “mỗi bài học là 01 công việc – mỗi module là 01 sản phẩm”, “dạy lí thuyết gắn liền với thực hành”, “đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học và làm ra sản phẩm và kinh doanh dịch vụ”, giải quyết có hiệu quả việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thường xuyên đổi mới phương thức, tổ chức dạy và học theo hướng mở, tích lũy module, chứng chỉ, học đến đâu công nhận đến đấy những kết quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có thể học tập liên tục, học tập suốt đời. Áp dụng đồng bộ hệ thống CNTT trong quản lý, từng bước đưa các chương trình mô phỏng, dạy học online vào chương trình để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
* Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào hoạt động để phát triển nhà trường.
Sau 11 năm đi vào hoạt động, nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với hơn 400 các trường Đại học, cao đẳng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường; làm cơ sở cho sinh viên học thực hành, thực tập; hợp tác nghiên cứu, sản xuất sản phẩm; huy động đội ngũ chuyên gia giảng dạy của doanh nghiệp; công nhận bằng cấp, chứng chỉ,… Hàng năm nhà trường được tiếp nhận tài trợ học bổng và trang thiết bị hỗ trợ cho đào tạo lên đến hàng tỷ đồng, đóng góp rất lớn vào chất lượng đào tạo.
Thông qua những hợp tác này, 100% sinh viên HHT hàng năm được đi thực tập tại doanh nghiệp, trong đó trên 30% sinh viên đã được tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và được doanh nghiệp trả lương, nhà trường cũng được doanh nghiệp trả chi phí. Các mô hình hoạt động hiệu quả như: Công ty Texas Instruments của Mỹ cung cấp thường xuyên linh kiện điện tử cho sinh viên học tập; Công ty Proaim (Nhật Bản) đã cùng Khoa Điện – Điện tử xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo, vừa sản xuất điện năng lượng mặt trời để cung cấp cho đào tạo vừa nghiên cứu phát triển các năng lượng sạch; Tập đoàn Wasserkabel – CHLB Đức tài trợ cho Khoa Điện – Điện tử hệ thống điều hòa không khí để sinh viên được học tập công nghệ điều hòa nhiệt độ công nghệ mới của Đức,…
Hàng năm, đã có nhiều đơn đặt hàng đào tạo với hàng ngàn chỉ tiêu theo nhu cầu của doanh nghiệp với nhà trường, như các Tập đoàn, Công ty: Hanwha, Công ty thang máy Gama lift, Carehome, Daikin, Agrimeco, PMTT,… Sinh viên tham gia chương trình này được doanh nghiệp chi trả 100% chi phí đào tạo, được trả lương ngay từ khi vào học. Nổi bật là chương trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường với Tập đoàn Hanwha 800 kỹ sư thực hành chuyên sản xuất động cơ máy bay từ năm 2019 đến năm 2024.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã phối hợp cùng Gama Service – Đơn vị dịch vụ kỹ thuật thang máy cao cấp của GamaLift và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội quyết định thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy. Trung tâm trực thuộc trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, do trường trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo kỹ thuật thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam đóng vai trò hoạch định về phương hướng đào tạo và Gama Service sẽ thực hiện các hoạt động chuyên môn, thực tiễn của ngành kỹ thuật thang máy. Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật thang máy thuộc Trung tâm sẽ có cơ hội làm việc tại GamaLift, Gama Service, các công ty lắp đặt thang máy, công ty dịch vụ thang máy trong và ngoài nước, các công ty quản lý tòa nhà mảng thang máy hoặc tự do hành nghề trong lĩnh vực này.
Theo ông, điều gì đã tạo nên sự đột phá đó cho nhà trường?
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh: Để tạo nên sự đột phá trong chất lượng đào tạo, xây dựng nên thương hiệu Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, trước tiên nhà trường được sự tin tưởng, nhận được chỉ đạo sát sao cũng như tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo: UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; sự tin tưởng và hợp tác có thành công từ các doanh nghiệp. Trên hết, nhà trường đã có chiến lược phát triển đúng hướng, sự nhất quán của Đảng ủy – Ban giám hiệu nhà trường trong việc chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu; sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm một lòng của tập thể cán bộ, viên chức, học sinh – sinh viên trong toàn trường.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
Trà Giang (thực hiện)