Thế giới công nghệ đang dịch chuyển rất nhanh, rất nhiều công nghệ đang được áp dụng cho các bài toán kinh doanh, sản phẩm, sản xuất và dịch vụ. Các tập đoàn lớn nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ lập tức trở nên tụt hậu so với các công ty công nghệ mới thành lập. Bởi chúng ta đang sống trong thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nokia là một bài học cho các tập đoàn lớn, nếu không thay đổi và cập nhật công nghệ họ sẽ tụt hậu rất nhanh ngay cả khi đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường.
Công nghiệp 4.0: cuộc cách mạng của kết nối
Thế giới đã có 3 cuộc cách mạng trước diễn ra, đây là những thời kỳ mà ứng dụng công nghệ cơ khí, công nghệ điện tự động hóa và công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm và công cụ sản xuất. Đặc điểm chung của 3 thời kỳ này là đều giảm số lượng lao động rất lớn và biến đổi về chất lượng sản phẩm. Qua các thời kỳ số lượng con người được giải phóng khỏi lao động chân tay, lặp lại ngày càng nhiều. Chúng ta có máy móc có thể thay thế hàng chục người làm việc, chúng ta có dây chuyền tự động hóa thay thế cả trăm người và chúng ta có những phần mềm có thể tính toán giảm cả ngàn người trong một doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một sự kết hợp của cả 3 thời kỳ trước. Các sản phẩm thiết bị thông minh “AI+ Thing” có trí tuệ nhân tạo. Các sản phẩm này được con người tạo ra để tiếp tục giải phóng lao động chuyển dịch sang các ngành nghề khác. Trong một trung tâm hỗ trợ chăm sóc khách hàng 200 nhân viên, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng một phần mềm trả lời tự động. Camera thông minh, thay vì các nhân viên bảo vệ nhìn giám sát màn hình thì hệ thống giám sát tự động và gửi cảnh báo qua điện thoại thông minh, email.
Hai xu hướng mạnh nhất trong thời khi 4.0 là tương tác các thiết bị thông minh bằng giọng nói (VUI – Voice User Interface) và thiết bị tự hành (Autonomous). Các hãng công nghệ lớn như Amazon, Apple, Google hay những công nghệ mới nổi như Uber, Tesla là những ví dụ.
Trong 3 năm trở lại đây hàng loạt các công bố về ứng dụng tự hành trong doanh nghiệp của các hãng lớn này. Năm 2014, Amazon công bố hãng này đã triển khai 15,000 con robot Kiva1 trong các kho hàng của họ để tự động hóa trong các kho hàng, với mục đích là giao hàng nhanh nhất có thể cho dịch vụ Amazon Prime. Google với hàng loạt công bố và các phiên bản xe tự hành trên ô tô Waymo2 chạy thử nghiệm. Năm 2016 và 2017 chiếc xe này đã có rất nhiều cuộc thử nghiệm thành công trong các môi trường khác nhau tại Mỹ. Uber không chỉ ứng dụng vào dân dụng, họ có tham vọng xây dựng một hãng logistics không cần một lái xe nữa. Năm 2016 họ công bố dòng xe xe tải Otto3 Truck tự lái, trong tương lai sẽ trở thành một công ty logistics hàng đầu thế giới nếu ứng dụng thành công. Tesla thì lại tối ưu công nghệ không người lái trên chiếc xe cá nhân của minh, màn hình lớn, thông minh, nhiều ứng dụng sẽ là lợi thế của hãng xe điện này so với các hãng xe truyền thống.
Ngoài công nghệ tự hành, các công nghệ tương tác giọng nói cũng được các hãng lớn đầu tư rất mạnh trong thời gian vài năm gần đây. Trong 3 năm gần đây chúng ta nghe đến hàng loạt các trợ lý ảo (Siri – Apple, Cortana – Microsoft, Alexa của Amazon,…); loa thông minh của các hãng lớn như Echo – Amazon, Google Home – Google, HomePod – Apple,… Ứng dụng các hệ sinh thái trên các nền tảng tương tác giọng nói đang dần dần được hình thành. Tiêu biểu nhất là nền tảng Alexa Skill của Amazon, chỉ trong 3 năm họ đã tăng trưởng từ 15 ứng dụng năm 2015 lên tới hơn 20 vạn ứng dụng năm 2017. Người sử dụng có thể dễ dàng nghe nhạc, đọc sách, đọc tin tức, mua sắm, gọi đồ ăn, điều khiển thiết bị thông minh qua giọng nói của chính minh.
Tại sao các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ trong thế kỷ 21?
Hai mục tiêu hàng đầu để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho các sản phẩm của minh chính là tăng chất lượng dịch vụ và giảm chi phí sản xuất. Như ví dụ Amazon họ đã đưa ra một dịch vụ giao hàng siêu nhanh bằng việc áp dụng xe tự hành trong nhà xưởng. Hay như Uber họ muốn giảm chi phí nhân công trong việc xây dựng hệ thống xe tải không người lái cho dịch vụ vận chuyển. Đơn giản hơn như các loa thông minh Amazon Echo, Google Home họ mong muốn khách hàng có một trải nghiệm dễ dàng tiện ích nhất với các dịch vụ mà họ đang có như mua hàng, nghe nhạc, đọc sách,…
Khi họ cải thiện được hai yếu tố chất lượng vượt trội và giá cả cạnh tranh họ sẽ có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh và có ưu thế trong kỷ nguyên số, thông minh của thể kỷ 21.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng này đó là Toán. Trí tuệ nhân tạo của các sản phẩm này ngoài yếu tố sản phẩm thì toán được ứng dụng rất nhiều, người Việt Nam có lợ thế về môn Toán học.
Chúng ta nghe rất nhiều các khái niệm như Big Data, Machine Learning, AR/VR, NLP (xử lý ngôn ngữ tự nhiên) tất cả những lõi công nghệ này đều áp dụng từ các môn toán xác suất thống kê, toán đại số tuyến tính, giải tích, tính toán ma trận,… Các bài toán được đặt ra rất cụ thể dùng toán học để xây dựng mô hình nhận dạng, sau đó mỗi khi nhận dạng chúng ta phân tích dựa vào đặc trưng, các thuật toán so sánh. Ví dụ khi bạn nhận dạng mặt người bạn cần phải có một số lượng mặt lớn để tạo ra một mô hình đặc trưng của mặt người, sau đó các bạn chọn các đặt trưng nổi bật về mặt trên người để so sánh và tạo thành các vector chứa các thông số đặc trưng. Bạn coi khoảng cách giữa hai mắt sẽ là một đặc trưng nhận dạng, kết hợp các đặc trưng khác bạn sẽ phân biệt được các khuôn mặt khác nhau.
Phần lớn các công nghệ này đều có những phần mềm mã nguồn mở được xây dựng theo các thuật toán khác nhau. Từ những mã người mở như OpenCV, V-rep, Hadoop,… các bạn hoàn toàn có thể thử nghĩ các ứng dụng bài toán thực tế dùng kiến thức mình đang được học.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và có rất nhiều thay đổi về kiến thức công nghệ. Các bạn phải là những người làm chủ những kiến thức của mình, tự tìm hiểu và cập nhật cho doanh nghiệp của minh. Thử tìm những hướng ứng dụng sở trường của mình và áp dụng công nghệ thông minh trong xu hướng cuộc cách mạng lần thứ 4.
[1] Kiva: là công ty làm về robot trong nhà máy được Amazon mua lại năm 2012 với giá $775 triệu.
[2]Waymo là công ty phát triển xe không người lái được tài trợ bởii Google bắt đầu từ năm 2009.
[3] Otto: là công ty làm robot trong nhà máy được Uber mua lại năm 2016 với giá $680 triệu và các điều khoản chia sẻ lợi nhuận trong tương lai.
Lê Ngọc Tuấn