Trong thời kỳ hội nhập, dòng nhạc dân ca đang bị lấn át bởi nhiều dòng nhạc khác, điều này tạo ra mối lo ngại lớn đối với các cấp quản lý cũng như những nhà nghiên cứu về văn hoá nghệ thuật. Vì lẽ đó, có nhiều người cho rằng, nếu không làm công tác bảo tồn và phát triển dòng nhạc dân ca trong đời sống âm nhạc ngày nay, đến một ngày không xa, dân ca sẽ bị mai một dần, người dân Việt Nam sẽ mất hẳn đi một phần vốn quý văn hóa phi vật thể. Bên cạnh các biện pháp hoạt động nghệ thuật, khoa học công nghệ ngày nay cũng có thể góp phần vào việc phục hồi, bảo tồn dòng nhạc này. Đó là ứng dụng công nghệ số.
Xu hướng ứng dụng nền tảng công nghệ số trong văn hoá nghệ thuật
Hiện nay, trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất. Khuyến khích sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động văn hoá nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, các nhà khoa học, chuyên môn đã áp dụng công nghệ thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR. Việc áp dụng công nghệ VR/AR đã hiện thực hóa các giả thuyết khoa học và tái lập các di sản, hiện vật, đem đến sức sống mới cho hiện vật và di sản. Cuộc trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột – Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu hút hàng nghìn lượt người tham quan, trải nghiệm không gian và hiện vật thông qua kính VR. Khách tham quan có thể “xuyên không”, ung dung “đi dạo” trong chùa Diên Hựu, ngắm hồ sen từ hai bên hành lang, chiêm ngưỡng và tương tác với di sản. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đang đẩy mạnh việc số hóa vở diễn sân khấu. Trên thực tế, việc số hóa vở diễn sân khấu đã là ước mơ từ lâu của nghệ sĩ và nhà quản lý của nhiều sàn diễn, bởi ai cũng mong muốn vai diễn, vở diễn của mình được phổ biến rộng rãi trên các nền tảng internet, đến được với số đông khán giả ngoài nhà hát. Vì không được số hóa nên các tác phẩm kinh điển lâu nay bị rơi rụng, không lưu trữ được sự chuẩn mực trong dàn dựng vở diễn, diễn xuất của nghệ sĩ. Kế hoạch đưa các vở kịch lên YouTube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, vạn vật kết nối đòi hỏi người làm nghề cần thay đổi tư duy. Theo kế hoạch mà Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã xây dựng, nếu lộ trình được thông qua, nhà hát trên YouTube sẽ thu hút sự tham gia của 12 đơn vị nghệ thuật công lập thuộc bộ. Từ phía Nam, các sân khấu cũng cho biết nếu kế hoạch được triển khai ở phía Nam, mở rộng cho các đơn vị xã hội hóa thì đây sẽ là một cách để tạo thêm thị phần biểu diễn, bảo đảm được công tác lưu trữ và cung cấp cho khán giả yêu kịch nói những tác phẩm kinh điển. Bởi, rất nhiều vở diễn phía Nam, khán giả phía Bắc chưa được xem và ngược lại. Nếu nhà hát YouTube do bộ tổ chức ra mắt, khán giả cả nước sẽ có cơ hội xem nhiều tác phẩm sân khấu hay.
Âm nhạc trong kỷ nguyên truyền thông số
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng với sự ra đời của các nền tảng phát trực tuyến trên các mạng xã hội: Spotify, Instagram, YouTube, Twitter, Tiktok, Facebook,… đã đặt ra cho ngành công nghiệp âm nhạc nhiều thách thức. Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các nền tảng nhạc số cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên thước đo mới đánh giá sự thành công của các sản phẩm âm nhạc. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc nghe nhạc trực tuyến hay streaming nhạc đã trở thành một thói quen phổ biến của nhiều người. Với sự tiện lợi và đa dạng của các nền tảng stream nhạc, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức các bài hát yêu thích của mình bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Streaming đã làm thay đổi quy mô kinh doanh âm nhạc. Phát nhạc trực tuyến đã thay đổi khái niệm về quyền sở hữu âm nhạc, điều này đã thay đổi cách kiếm tiền trong ngành công nghiệp âm nhạc. Cách tiếp cận truyền thống về việc phải tải các bài hát cụ thể không còn khả thi nữa và ảnh hưởng của các công ty âm nhạc lớn đang sụp đổ theo nó. Tiếp thị âm nhạc trên Spotify và các dịch vụ phát trực tuyến tương đương rất đơn giản và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, bất kể người nổi tiếng hay thu nhập.
Streaming nhạc là hình thức nghe nhạc trực tuyến thông qua mạng internet, người dùng có thể truy cập vào các nền tảng stream nhạc như Spotify, Apple Music, Amazon Music, Google Play Music, Tidal, Deezer, và nghe nhạc trực tiếp trên các thiết bị kết nối internet như điện thoại, máy tính, smart TV, loa thông minh,… Khi dùng các nền tảng nghe nhạc stream này, bạn chỉ cần gõ tên bài hát, nhạc sĩ hoặc album nào đó là có thể tìm kiếm và trải nghiệm nghe nhạc ngay trên các nền tảng Stream nhạc này. Bởi vì nền tảng stream nhạc sử dụng công cụ tìm kiếm khá tốt, tốc độ truyền tin cũng rất nhanh. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng các mục Related Artists, Album để tìm kiếm chi tiết về các album nghệ sĩ hoặc nghệ sĩ có liên quan. Điều đặc biệt là khi đăng nhập tài khoản lên nhiều thiết bị cùng lúc, bạn không cần phải sử dụng Wifi Direct, Bluetooth để kết nối. Ứng dụng cho phép người dùng kiểm soát được âm thanh và đồng bộ trên các thiết bị. Mặt khác, nó cũng sẽ dựa trên thói quen nghe nhạc của người dùng mà gợi ý những bài hát đang hot, mới nhất và phù hợp với sở thích của từng người.
Tại Việt Nam, trong số các nền tảng phát nhạc trực tuyến nội địa như ZingMP3, Nhaccuatui vẫn đang chiếm thị phần lớn, tập trung vào người dùng gen X (được sinh ra trong khoảng từ năm 1965-1980), gen Y (được sinh ra trong khoảng từ năm 1981-1996), trong khi các nền tảng ngoại như Spotify, Apple Music chủ yếu tiếp cận đến nhóm người dùng gen Z (được sinh ra trong khoảng từ năm 1997-2012). Trên nền tảng Music Home, hình thức truyền hình trực tiếp hay livestream đã được nhiều nghệ sĩ cũng như các festival âm nhạc thử nghiệm và gặt hái thành công. “Music Home” là những buổi biểu diễn trực tiếp trong không gian studio với một ca sĩ tâm điểm, được trình chiếu trên Truyền hình FPT và livestream trên mạng xã hội. Mỗi ca sĩ được mời đến phải hát live để công chúng yêu âm nhạc thưởng thức trực tiếp qua ti-vi hoặc trên các thiết bị di động thông minh. Sự khác biệt là chất lượng âm thanh và hình ảnh được bảo đảm đúng tiêu chuẩn trung thực, ưu việt nhất dù bạn nghe qua bất cứ thiết bị nào. Điều này đặt ra tiêu chuẩn chọn những nghệ sĩ có thực lực, khả năng hát live xuất sắc. Đặc biệt, khán giả có thể chủ động lựa chọn góc máy quay khi xem chương trình, trực tiếp trải nghiệm không gian âm nhạc chân thật như đang có mặt tại nhà hát. Ngoài ra, người hâm mộ có thể tương tác trực tiếp khi để lại bình luận về ca sĩ, những góp ý cho ban tổ chức trong mỗi số chương trình.
Ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ công tác bảo tồn, phát triển dòng nhạc dân ca Việt Nam
Với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển một số lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam và làm chủ các nền tảng công nghệ số, chúng tôi đề xuất xây dựng một nền tảng công nghệ số hướng đến cộng đồng yêu âm nhạc nghệ thuật Việt Nam. Nền tảng công nghệ đa phương tiện số này tích hợp hệ thống Affiliate, Đại nhạc hội và đang xây dựng cộng đồng số yêu nghệ thuật âm. Các thành viên trong cộng đồng số đều được xác minh; được sử dụng các tính năng miễn phí, được kết nối, tương tác trao đổi, livestream, tham gia cuộc thi ca nhạc,…
Ưu điểm của việc sử dụng nền tảng công nghệ số trong việc bảo tồn, phát triển dân ca là mang đến một không gian văn hoá nghệ thuật truyền thống đến với tất cả mọi người dân trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người dân tiếp cận những ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ chuyển đổi số một cách dễ dàng. Các cuộc thi online về dân ca qua nền tảng công nghệ số này sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh và khán giả khắp mọi miền đất nước cũng như ở nước ngoài yêu thích dòng nhạc dân ca hoàn toàn dễ dàng tham gia thi tuyển. Có thể tổ chức nhiều cuộc thi trong cùng một thời gian, các thí sinh có thể đăng ký một hay nhiều cuộc thi trên nền tảng số mà chi phí đầu tư thấp, hỗ trợ tối đa. Trong phần thi của mình qua hình thức Live stream, các thí sinh sẽ nhận được lượng vote trực tiếp từ khán giả, làm cơ sở tính điểm để thí sinh được vào vòng trong. Với sân khấu ảo 3D đẹp, hoành tráng hơn sân khấu thật, các thí sinh có thể được hát song ca với thần tượng, hay ca sĩ nổi tiếng mà mình yêu thich dù các thần tượng hay ca sĩ đó đã qua đời do nghệ thuật ghép ca sĩ, thần tượng vào nền sân khấu ảo như thật.
Thực tế, việc ứng dụng nền tảng công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật mang lại rất nhiều giá trị như:
– Bảo tồn và phục hồi nghệ thuật: Công nghệ số cung cấp các công cụ và kỹ thuật để bảo tồn và phục hồi các tác phẩm nghệ thuật quý giá. Các kỹ thuật số hóa, lưu trữ điện tử và tái tạo số giúp bảo vệ và tái tạo các tác phẩm nghệ thuật bị tổn thương hoặc đã cũ, từ việc lưu trữ hình ảnh chất lượng cao đến việc khôi phục màu sắc và chi tiết ban đầu.
– Tiếp cận và chia sẻ toàn cầu: Công nghệ số giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và chia sẻ nghệ thuật đến cộng đồng toàn cầu. Các nền tảng trực tuyến, như các bộ sưu tập nghệ thuật số, các trang web và ứng dụng di động, cho phép mọi người truy cập, tìm kiếm và tận hưởng các tác phẩm nghệ thuật từ bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Điều này mở ra cơ hội mới để quảng bá và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật cho một đối tượng khán giả rộng lớn hơn.
– Tạo trải nghiệm tương tác: Công nghệ số cho phép tạo ra trải nghiệm tương tác độc đáo với nghệ thuật. Các ứng dụng và nền tảng công nghệ số có thể kết hợp các yếu tố tương tác, âm thanh, video, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để mang lại trải nghiệm mới mẻ và tương tác hơn với các tác phẩm nghệ thuật. Điều này giúp tạo ra một cách tiếp cận sáng tạo và hấp dẫn hơn đối với khán giả.
– Tương tác và tham gia cộng đồng: Công nghệ số tạo ra các cơ hội để tương tác và tham gia vào cộng đồng nghệ thuật. Các nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động cho phép người dùng trò chuyện, chia sẻ ý kiến và thảo luận với nhau về các tác phẩm nghệ thuật. Điều này tạo ra một môi trường tương tác và sáng tạo, khuyến khích sự giao lưu và trao đổi ý kiến giữa các cá nhân yêu nghệ thuật.
Giáo dục và học tập: Công nghệ số cung cấp một công cụ mạnh mẽ cho việc giáo dục và học tập về nghệ thuật. Các ứng dụng và nền tảng trực tuyến có thể cung cấp các tài liệu học tập, khóa học trực tuyến, tài liệu tham khảo và nguồn tài nguyên phong phú để giúp người học khám phá, nghiên cứu và hiểu sâu về nghệ thuật.
Sáng tạo và đổi mới: Công nghệ số khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực nghệ thuật. Nó mở ra cơ hội để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới, sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế tăng cường để tạo ra trải nghiệm mới và độc đáo. Đồng thời, công nghệ số cũng giúp nghệ sĩ và nhà thiết kế tiếp cận các công cụ và tài nguyên sáng tạo để phát triển ý tưởng và dự án mới.
Quản lý và bảo mật dữ liệu: Công nghệ số cung cấp các phương pháp quản lý và bảo mật dữ liệu hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật. Các nền tảng và công nghệ số giúp theo dõi và quản lý thông tin về các tác phẩm nghệ thuật, từ quá trình sáng tạo, sở hữu, lịch sử, đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu liên quan.
Kết luận
Âm nhạc truyền thống Việt Nam mang màu sắc rất đặc trưng cũng như đa dạng về thể loại, âm thanh, lời ca cho đến biểu diễn. Việc duy bảo tồn và giữ gìn các thể loại âm nhạc truyền thống cũng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với một hệ thống kho tàng dân ca vô cùng phong phú, việc ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn âm nhạc.
Việc ứng dụng nền tảng công nghệ số sẽ giúp mọi người am hiểu, yêu nghệ thuật Dân ca, các tác phẩm, ca khúc dòng nhạc văn hóa của các vùng miền, từ đó tự tin thể hiện khả năng nghệ thuật của mình thông qua việc ứng dụng công nghệ để nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất của chính mình trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Spotify và nghệ thuật phân tích dữ liệu: “Nghe lén” nắm bắt tâm trạng, dự đoán bài hát sẽ lên xu hướng, quảng cáo chính xác từng người (https://cafebiz.vn/spotify-va-nghe-thuat-phan-tich-du-lieu-nghe-len-nam-bat-tam-trang-du-doan-bai-hat-se-len-xu-huong-quang-cao-chinh-xac-tung-nguoi-176230316172020477.chn)
[2].Stream nhạc là gì và Các nền tảng stream nhạc phổ biến nhất (https://anhduyenaudio.vn/stream-nhac-la-gi)
[3]. Thưởng thức âm nhạc thời công nghệ số (https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/thuong-thuc-am-nhac-thoi-cong-nghe-so-611432)
1Phạm Ngọc Minh, 2Huỳnh Đức Hoàn
1Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Email : pnminh@ioit.ac.vn
2Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Quy Nhơn