Những năm gần đây, xu hướng nổi bật trong tuyển sinh đại học ở nước ta là việc nhiều trường giảm tỷ lệ xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, các trường chú trọng hơn vào việc đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh thông qua các bài thi riêng, phỏng vấn, xét tuyển học bạ,… Đây được xem là một bước thay đổi nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và đảm bảo sự phù hợp giữa năng lực thí sinh với ngành học.
Lý do chuyển đổi phương thức xét tuyển
Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện có hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau được các trường đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào. Kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy kết quả thi tốt nghiệp vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất.
Tuy vậy, trên thực tế, nhiều trường vẫn ghi nhận đang giảm dần tỷ lệ tuyển sinh theo phương thức này so với trước. Cụ thể, năm 2023, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhất là 70%, giảm 10% so với năm 2022.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) dùng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT 2023 với 45-55% tổng chỉ tiêu (giảm mạnh so với năm 2022 với 70% tổng chỉ tiêu).
ĐH Quốc gia TPHCM dành ít nhất 45% chỉ tiêu tuyển sinh cho thi đánh giá năng lực của chính đơn vị này tổ chức. Bởi vậy, hàng loạt các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đều tăng tỷ lệ xét tuyển đánh giá năng lực.
Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm một phương thức xét tuyển độc lập. Điểm thi tốt nghiệp chỉ là một trong nhiều phương thức kết hợp nhiều tiêu chí. Phương thức kết hợp này gồm các tiêu chí điểm thi đánh giá năng lực, điểm tốt nghiệp, điểm học THPT và các năng lực khác. Ngoài ra, trường sử dụng các phương thức xét tuyển khác.
Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT) cũng chỉ dành cho phương thức xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT tỷ lệ 30% trong tổng 855 chỉ tiêu năm 2023.
Giảm mạnh từ năm 2024
Năm 2024, xu hướng tuyển sinh của các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học top đầu giảm tỷ lệ xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2024 tổ chức phương thức xét tuyển sớm. Các phương thức xét tuyển sớm (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cụ thể gồm: tuyển thẳng, xét học bạ THPT, điểm SAT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐH Quốc gia TP.HCM.
TS. Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường bằng các phương thức tuyển sinh sớm tăng mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, trường ghi nhận trên 97.000 nguyện vọng của hơn 34.000 thí sinh đăng ký (tăng trên 35% so với năm ngoái).
“Không chỉ tăng số lượng, chất lượng điểm thi của thí sinh cũng tăng mạnh so với năm ngoái”, ông Hải nói thêm.
Năm 2024, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến tuyển sinh bằng 5 phương thức trong đó có phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Trước đó, Trường Đại học Nha Trang là trường đầu tiên tuyên bố sẽ bỏ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thay vào đó xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực tuyển sinh từ năm 2025.
Cụ thể, trường lấy điểm của học sinh ở một số môn nhất định trong ba năm THPT, tùy theo ngành đào tạo và phải đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Với điểm thi đánh giá năng lực, trường tập trung vào khả năng Toán (Toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.
TS. Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Nha Trang, cho biết thí sinh có thể lựa chọn và tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM, Hà Nội hoặc một số kỳ thi đánh giá năng lực khác để lấy điểm thi này.
Mới đây nhất, ngày 27/6, Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố phương thức xét tuyển đại học năm 2025 của trường, theo đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ còn 15%. Theo đó, trong vòng 5 năm gần đây, tỷ lệ chỉ tiêu trường dành cho phương thức xét tuyển này đã giảm rất mạnh, từ hơn 70% xuống còn 15%.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng đầu vào và tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp với các chuyên ngành, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã có những thay đổi về phương thức tuyển sinh năm 2024. Theo đó, phương thức xét tuyển tài năng (XTTN) chiếm 20%; phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) chiếm 30% tổng số thí sinh; phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (THPT) chiếm khoảng 50%.
Nguyên nhân của việc dùng các phương thức xét tuyển khác, trong đó có đánh giá năng lực thay thế dần xét tuyển bằng điểm thi Tốt nghiệp THPT được lãnh đạo các trường lý giải, do đề thi Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông hướng đến mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đã giảm độ phân hóa so với trước đây.
Cùng với đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, điểm thi Tốt nghiệp THPT thường không phản ánh đầy đủ năng lực và tiềm năng của thí sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên sâu như khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, các ngành nghề hiện đại đòi hỏi nhiều hơn kiến thức lý thuyết. Do đó, việc đánh giá kỹ năng thực tế, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề trở nên quan trọng hơn. Mặt khác, các bài thi đánh giá năng lực được đánh giá giúp tạo sân chơi bình đẳng cho thí sinh đến từ nhiều môi trường học tập khác nhau.
Xu hướng trong tương lai
Trong những năm tới các trường đại học sẽ ngày càng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh và cá nhân hóa quá trình tuyển sinh như kết hợp giữa các bài thi đánh giá năng lực, phỏng vấn, xét tuyển học bạ, các kỹ năng khác. Các trường sẽ xem xét kỹ lưỡng hồ sơ năng lực của từng thí sinh, bao gồm thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ quốc tế và các yếu tố khác để đánh giá tiềm năng và sự phù hợp của thí sinh với ngành học.
Ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh cũng sẽ được đẩy mạnh. Các trường có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn, giúp đánh giá năng lực thí sinh một cách khách quan và chính xác hơn. Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cũng có thể được sử dụng để tạo ra các môi trường phỏng vấn trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả thí sinh và nhà trường.
Sự thay đổi này đòi hỏi thí sinh phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng tư duy độc lập. Đồng thời, các trường đại học cũng cần đầu tư vào việc xây dựng các bài thi đánh giá năng lực chất lượng, đảm bảo tính khách quan và công bằng.
Nhìn chung, xu hướng tuyển sinh đại học mới này hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường giáo dục đại học năng động và sáng tạo hơn, nơi mà tài năng và tiềm năng của mỗi cá nhân được phát hiện và phát triển tối đa. Các trường cũng chủ động hơn trong công tác tuyển sinh. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý giáo dục, trường đại học, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Hồng Minh