Tại nghị hội nghị về Công nghiệp bán dẫn chiều 29/10, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những lợi thế của Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái bán dẫn.
Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, chính phủ quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp ngành bán dẫn, đồng thời có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín và các doanh nghiệp lớn sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn.
Việt Nam cũng đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó một trong những nội dung hợp tác là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có nhiều buổi làm việc với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) và nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu.
Cùng với đó, Việt Nam đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. “Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và có ba khu công nghệ cao tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng để đón nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. Theo Bộ trưởng, đây sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Việt Nam nên tập trung làm chip theo hướng riêng của mình
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Công nghiệp ICT – Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời là người tham gia và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, cho rằng Việt Nam có thể đi theo hướng làm chip chuyên biệt, thay vì chạy đua theo những dòng chip cao cấp và tiên tiến nhất của thế giới.
“Trong bối cảnh phát triển bùng nổ IoT, nhu cầu về chip chuyên biệt phục vụ IoT sẽ ngày càng lớn lớn”, đây cũng là thế mạnh của nhân sự làm chip Việt Nam.
Theo chiến lược ngành bán dẫn dự kiến, Việt Nam sẽ phát triển song hành, tức vừa thu hút doanh nghiệp FDI, vừa nâng cao năng lực trong nước. Chúng ta chưa nhất thiết phải có sản phẩm ngay, mà có thể đồng hành, tham gia hệ sinh thái của các công ty lớn, đồng thời tập trung vào phân khúc tầm thấp và tầm trung, nơi chúng ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất về giá.
Ông Nghĩa đưa ra ví dụ nhiều doanh nghiệp chuyên về khâu thiết kế, kiểm thử và đóng gói chip vừa vào Việt Nam, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể làm ra các sản phẩm nội địa sau này.
Nguồn nhân lực cho bán dẫn: nếu cứ 4 năm đào tạo một lứa sẽ không theo kịp
Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, từ trình độ đại học trở lên.
Việt Nam đã có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, các ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như AI, Bigdata,…
Tuy nhiên, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng. Thứ nhất, Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch.
Thứ hai, Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.
Hiện nay, Bộ đang xây dựng một kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Bên cạnh đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, Việt Nam nên tập trung nâng cao kỹ năng nhân lực hiện tại, trang bị thêm kỹ năng chuyên môn, biến những kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử thành kỹ sư chuyên về chip bán dẫn.
Nếu cứ đào tạo tuần tự bốn năm có một lứa kỹ sư sẽ không đáp ứng được cung cầu. Trong khi đó, Việt Nam có đội ngũ 350.000 kỹ sư CNTT và điện tử, nếu đào tạo họ để làm được việc ngay, chúng ta sẽ đi khá nhanh.
Đỗ Phương