Nhiều ngân hàng chuẩn bị họp cổ đông bất thường
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 28/11/2024 tại thành phố Hà Nội. Eximbank tổ chức đại hội trong bối cảnh CTCP Tập đoàn Gelex mới đây trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này, sau khi mua vào 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn của ngân hàng.
Ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ là 29/10.
Cuộc họp được tổ chức nhằm thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Nguồn: Eximbank. |
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Eximbank cũng đã trình kế hoạch chuyển trụ sở chính từ Tầng 8, tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM sang tòa nhà Văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Tuy nhiên, tờ trình này không được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đang triển khai đầu tư xây dựng trụ sở mới tại khu đất số 7, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP HCM. Dự án đang được xin ý kiến lãnh đạo thành phố về công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu.
Một nhà băng quy mô nhỏ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng đã có thông báo triệu tập cổ đông để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024.
Theo đó, thời gian chốt danh sách cổ đông là ngày 3/10/2024. Thời gian tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 1/11/2024. Nội dung Đại hội là để bầu nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 – 2029; Các nội dung khác (nếu có).
Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2024, khi được hỏi Ngân hàng có khó khăn gì trong việc chỉ còn lại 5 thành viên HĐQT, đại diện Saigon Bank cho biết hầu hết ngân hàng hiện nay đều đối mặt với khó khăn, thách thức, Ngân hàng tự tin vượt qua khó khăn.
Ngày 17/10 tới đây, "ông lớn" Vietinbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Nội dung cuộc họp bao gồm: Bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024 - 2029 và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ.
Ứng viên được dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Vietinbank nhiệm kỳ 2024 – 2029 là ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, hiện đang đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc của VietinBank.
Loạt ngân hàng lên lịch triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Ảnh minh hoạ |
Ngày 15/11 tới đây, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Tại cuộc họp, HĐQT LPBank dự kiến trình Đại hội phê duyệt bầu bổ sung thành viên HĐQT nhằm đáp ứng sớm Luật các tổ chức tín dụng và tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng việc trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%.
Ngoài ra, LPBank của "bầu" Thụy cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án góp vốn, mua cổ phần của Công ty cổ phần FPT. Theo đó, HĐQT đề xuất với ĐHĐCĐ phương án mua 5% vốn điều lệ của FPT tại thời điểm triển khai, thực hiện giao dịch mua cổ phần và tổng giá trị đầu tư không vượt quá tỷ lệ đầu tư theo quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 và 2025 và/hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Đầu tháng 10 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo ngày 14/10 sẽ là ngày đăng kí cuối cùng chốt danh sách cổ đông để Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Thời gian tổ chức chưa được SeABank công bố.
Trong Đại hội lần này, SeABank sẽ lấy ý kiến cổ đông về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm việc thông qua điều lệ mới, quy chế của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và một số vấn đề liên quan khác. Đặc biệt, ngân hàng cũng dự kiến bầu bổ sung hai thành viên vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong quý III/2024, nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục là đầu tàu dẫn đắt đà tăng trưởng bên cạnh sự phục hồi của ngành sản xuất và bán lẻ, giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của VN-Index ước tính 28% so với cùng kỳ.
Trong đó, động lực tăng trưởng của nhóm ngân hàng gồm NIM quý 3 tăng nhẹ so với quý trước sau khi chất lượng tài sản cải thiện; Chi phí tín dụng không còn gây áp lực lớn lên lợi nhuận; Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi chiếm 75% lợi nhuận toàn ngành ước đạt 10,5% từ đầu năm hay tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngân hàng giảm kỳ vọng về lợi nhuận năm 2024
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2024.
Cuộc điều tra được thực hiện trước thời điểm cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Việt Nam, do đó, các nhận định và kỳ vọng/dự báo của các TCTD tại cuộc điều tra chưa tính đến những tác động và thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 27/9, tăng trưởng tín dụng đạt 8,53% so với đầu năm, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái tăng trưởng mới chỉ là 6,24%. Đồng thời, huy động vốn của các TCTD tăng 4,79%, trong khi cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%.
Theo kết quả khảo sát của NHNN, các TCTD kỳ vọng tăng trưởng dư nợ quý IV/2024 đạt 4,8% và trong cả năm 2024 là 13,2%. Kết quả này thấp hơn 0,9 điểm % so với mức dự báo tăng trưởng tín dụng 14,1% cho cả năm vào kỳ điều tra trước.
Về huy động vốn, các TCTD kỳ vọng mức tăng trưởng 3,2% trong quý IV và 7,9% trong cả năm 2024. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng 10,1% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.
Về tình hình thanh khoản, các TCTD cho rằng quý III vẫn duy trì trạng thái “tốt”, tiếp tục cải thiện so với quý trước. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý III, có 72,8% TCTD nhận định tình hình thanh khoản chung ở trạng thái “tốt” (kỳ trước 72,5%), 25,4% TCTD nhận định thanh khoản “bình thường” (kỳ trước là 26,6%).
Về chất lượng tài sản, các TCTD cho biết trong quý III, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống không đạt được kỳ vọng (giảm nhẹ) mà còn có xu hướng “tăng nhẹ”, dù tốc độ tăng đã thu hẹp hơn so với quý II. Các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024. Kỳ vọng này chưa tính đến tác động của bão Yagi.
Cũng theo kết quả điều tra, các tổ chức tín dụng cho biết lợi nhuận trước thuế quý III/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Từ 71,9% đến 76,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý IV/2024 và cả năm 2024.
Tại kỳ điều tra này, tỷ lệ các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023 là 79,6%, điều chỉnh giảm so với tỷ lệ kỳ vọng 86,2% TCTD có cùng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Bên cạnh đó, vẫn có 15,9% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024, cao hơn tỷ lệ 11% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Đồng thời, 4,4% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.