![]() |
Chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn trong cao điểm du xuân |
Ngày 5/1 mới đây, chị L.T.L, ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được một phụ nữ gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, sẽ có cán bộ của phòng Kỹ thuật gọi điện để hướng dẫn cài đặt, tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.
Sau khi phụ nữ này tắt máy, khoảng 15 phút sau có số điện thoại 0818050180 gọi đến chị L giới thiệu cài đặt dịch vụ công để thực hiện luật giao thông mới. Mặc dù chị L cảnh giác nói bản thân đã cài đặt dịch vụ công và nghi ngờ lừa đảo, nhưng đối tượng trấn an chị L nếu lừa đảo, đối tượng sẽ yêu cầu chị L cung cấp thông tin nhưng đối tượng chỉ hướng dẫn chị L cài đặt dịch vụ và yêu cầu chị L kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn cài đặt dịch vụ.
Tin lời đối tượng, chị L đã cài đặt dịch vụ, các đối tượng đã yêu cầu chị L nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng mặt trước, mặt sau. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, tài khoản của chị L đã bị trừ mất số tiền 7.910.000 đồng.
Đây là thủ đoạn lừa đảo giả danh cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước tuy không còn mới nhưng chiêu trò ngày càng tinh vi. Các đối tượng này thường gọi, yêu cầu vào những thời điểm trong giờ hành chính, giờ làm việc… để người dân không thể sắp xếp thời gian, từ chối yêu cầu “đến trụ sở công an” và làm việc, trao đổi thông tin trực tiếp qua điện thoại.
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội. Điểm Giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 đối với người có giấy phép lái xe, cơ quan công an không yêu cầu người dân phải cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm.
Đặc biệt lưu ý khi tiếp nhận cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cần thực hiện kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
![]() |
Thủ đoạn lừa đảo mới cài đặt 12 điểm giấy phép lái xe |
Lừa đảo đặt phòng khách sạn trong cao điểm du xuân
Cục An toàn thông tin cho biết, một số du khách đặt phòng trên fanpage Facebook khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà, Ninh Bình. Sau khi liên lạc và được tư vấn qua fanpage, du khách đã chuyển khoản đặt cọc 6,5 triệu đồng. Sau khi du khách chuyển khoản tiền đặt cọc lần đầu tiên, kẻ lừa đảo thông báo khách đã chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và hoàn lại số tiền thừa.
Đáng chú ý, qua nhiều lần chuyển khoản, tổng số tiền mà khách đã chuyển cho kẻ lừa đảo lên tới hơn 1 tỷ đồng. Vị du khách chỉ nhận ra mình bị lừa khi không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng và trình báo công an.
Trên thực tế, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ Facebook. Các đối tượng lừa đảo cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo về việc đặt phòng hay khen ngợi homestay, khách sạn để tạo lòng tin với du khách. Chuyên gia công nghệ cho biết, theo thuật toán của Facebook, các fanpage, hội nhóm có lượt theo dõi cao hơn thường sẽ hiển thị trước nên du khách dễ bị nhầm lẫn.
Đối với vấn nạn fanpage Facebook du lịch giả mạo tràn lan, các nạn nhân, đại diện một số homestay bị mạo danh và chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa thể thao và du lịch các tỉnh với Sở Thông tin và truyền thông và cơ quan công an để kiểm soát tình hình.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước các Fanpage giả mạo thông tin khách sạn, phòng nghỉ du lịch. Thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin kỹ về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác minh được độ uy tín của đối tượng. Người dân được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản; tính xác thực của đối tượng trước khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào.