Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam lần thứ ba |
Phát biểu tại buổi lễ, TSKH.Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards là diễn đàn để các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng nhà máy thông minh, nhà máy số, sản xuất thông minh, nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị kinh doanh. Đặc biệt, chương trình liên kết, kết nối cộng đồng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp, cùng hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế số, đạt được thành tích cao.
TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Lẽ biểu dương. Ảnh: Duyên Nguyễn |
TSKH.Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mà còn là một trung tâm đổi mới sáng tạo, với nhiều doanh nghiệp tiên phong trong áp dụng công nghệ mới. Những sáng kiến và giải pháp mà các doanh nghiệp trong danh sách Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024 đã đóng góp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững và phát triển.
Theo Ban Tổ chức, Chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam đề ra các tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng hạng mục: Top Doanh nghiệp công nghiệp 4.0; Top Tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; Top Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0; Top Tổ chức, địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Qua quá trình thẩm định sơ khảo và chung khảo công tâm, khách quan, từ 200 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 30 hồ sơ ở các hạng mục để biểu dương.
TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA và TS. Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao Chứng nhận và biểu trưng "Top Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0. Ảnh: Duyên Nguyễn |
Theo đó, Ban Tổ chức đã biểu dương 24 doanh nghiệp với các sản phẩm, giải pháp số được trao tặng, vinh danh tiêu biểu như: Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao,…
Bên cạnh Lễ biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam, chương trình hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong cách mạng 4.0” với các bài tham luận như: Định hướng xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho công nghệ của CMCN 4.0; Chuyển đổi số và Tự động hóa trong doanh nghiệp công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng xanh,…
TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong cách mạng 4.0". Ảnh: Duyên Nguyễn |
TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ, chủ đề năm nay sẽ thu hút cộng đồng khoa học về chuyển đổi số chuyển đổi xanh đặc biệt chúng ta vừa được nghiên cứu bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 2/9/2024 với nhiều nội dung mới. Chắc chắn cộng đồng khoa học Việt Nam sẽ phải nghiên cứu, hoạt động cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công cuộc chuyển đổi số.
Coi chuyển đổi số không đơn thuần là một chương trình như quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, bây giờ nó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, cuộc cách mạng này không chỉ phát triển lực lượng sản xuất mới mà còn có tác động hoàn thiện quan hệ sản xuất mới tiến tới hình thành phương thức sản xuất mới đó là phương thức sản xuất số.
“Tôi tin rằng hội thảo khoa học lần này chúng ta tập trung thảo luận những vấn đề lớn, những vấn đề mang tính quyết định trong chuyển đổi số của các tổ chức, cá nhân đặc biệt của doanh nghiệp để chúng ta sớm thực hiện thành công 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia đó là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”- TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.