Cuộc cách mạng số gần như đã chạm đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Theo Hospitality Insights, ước tính, có hơn 3,5 tỷ người có quyền truy cập internet và hơn 5 tỷ người đang sở hữu một số thiết bị di động với khoảng 50% là điện thoại thông minh. Mức độ kết nối này đã ảnh hưởng đến cách mọi người tương tác với nhau, theo dõi tin tức và nhìn nhận thế giới xung quanh.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi những xu hướng chuyển đổi số này đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành giáo dục. Từ bậc tiểu học đến đại học, chuyển đổi số đã ảnh hưởng đến các lớp học, cách các giáo viên tiếp cận học sinh và ngược lại. Những thay đổi này cũng được đẩy nhanh hơn bởi đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều trường học ở rất nhiều quốc gia trên thế giới phải cho học sinh nghỉ học. Trong nỗ lực giúp học sinh, sinh viên tiếp tục công việc học tập, nhiều trường học và giáo viên đã chuyển sang sử dụng một số công nghệ dạy học mới, trong đó có dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, dạy học trực tuyến chỉ là một trong những biện pháp mà chuyển đổi số và những tiến bộ trong lĩnh vực này đã tác động đến học sinh, sinh viên và xu hướng trong lớp học. Dưới đây là 8 xu hướng chuyển đổi số chủ đạo trong bối cảnh các nhà giáo dục bắt đầu thừa nhận sức mạnh của internet đối với quá trình dạy và học.
Một trong những xu hướng chuyển đổi số truyền cảm hứng nhất, có thể nhận ra rõ nhất trong giáo dục là khả năng tiếp cận trường học, bài học và các chương trình cấp bằng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên. Các công nghệ mới có thể giúp những học sinh bị khiếm khuyết tiếp cận thông tin, xóa bỏ những rào cản trên con đường chinh phục tri thức phía trước.
Ví dụ, công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói và ngược lại có thể cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của những người gặp khó khăn trong vấn đề theo dõi hình ảnh hoặc âm thanh, cũng như khó khăn về khả năng đọc, cho phép họ tiếp tục học tập và lấy bằng.
Khả năng tiếp cận và truy cập cũng được cải thiện từ góc độ địa lý nhờ công nghệ. Các lớp học trực tuyến cho phép học sinh, sinh viên tiếp cận các chương trình học tại các trường không nằm ở địa phương của họ, giúp người học được hưởng những nền giáo dục tốt nhất có thể.
Học sinh, sinh viên đã không còn bị giới hạn bởi khu vực địa lý, nơi họ sống. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, hơn 1/3 số học sinh cho biết đã tham gia ít nhất một lớp học trực tuyến. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục phát triển, khi mọi người nhận ra giá trị của việc cải thiện tính linh hoạt cho một số khóa học, thậm chí là các chương trình trong giáo dục bậc đại học.
Các phương pháp dạy học được cá nhân hóa cũng là một xu hướng quan trọng của cuộc cách mạng chuyển đổi số trong giáo dục. Thay vì ép buộc mọi người phải học tập theo một phương pháp cố định, nhiều trường học đã bắt đầu nhận ra giá trị của việc đưa các giải pháp dạy học phân hóa dựa trên điểm mạnh và điểm yếu của chính người học.
Phương pháp dạy học được cá nhân hóa đem lại một số lợi ích cho sinh viên và các cơ sở dạy học. Khi người học được học theo cách phù hợp với họ nhất, điều đó sẽ giúp họ tiếp thu nhanh hơn và lưu giữ thông tin quan trọng. Người học có động lực để tiếp tục chương trình học và tiếp cận các cơ hội giáo dục, việc làm phù hợp, điều mà trước kia là xa tầm tay đối với họ.
Thực tế ảo đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù ban đầu nó được sử dụng như một hình thức giải trí, nhưng càng về sau, nó đã thu hút được nhiều sự chú ý vì tiềm năng trong các hệ thống đào tạo hoặc thậm chí là mua sắm.
Đối với giáo dục, thực tế ảo có thể cung cấp cho sinh viên cơ hội “thực nghiệm” những kiến thức mà họ đã học trước khi chuyển sang ứng dụng trong thế giới thực.
Ví dụ, trong ngành công nghiệp khách sạn (hospitality industry), sinh viên có thể tận mắt chứng kiến các môi trường làm việc tiềm năng khác nhau, khiến sinh viên cảm thấy họ đang ở trong những tình huống phục vụ khách hàng thực sự. Thực tế ảo sẽ giúp sinh viên được đào tạo, mang lại kinh nghiệm thực tế mà không cần phải rời khỏi lớp học.
Điều này giúp sinh viên cảm thấy thoải mái hơn và có thể chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp trong tương lai và hoàn thành chương trình học của mình.
Đám mây (cloud) cung cấp cho sinh viên và giáo viên cơ hội kết nối với nhau từ mọi địa điểm. Họ có thể sử dụng các loại ứng dụng này khi đang ngồi trên giảng đường, tại nhà, hoặc thậm chí là cách xa nửa vòng trái đất!
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm tăng tiềm năng sử dụng cho các loại ứng dụng này. Các giáo viên đã bắt đầu sử dụng nhiều nền tảng khác nhau để lưu trữ các bài giảng và đăng video gửi tới sinh viên nhằm giúp họ theo kịp lộ trình học tập của mình mặc dù không thể gặp trực tiếp.
Những nền tảng này cũng cung cấp một loạt các cơ hội. Chúng cho phép truyền trực tiếp các bài giảng, giúp các lớp học trực tuyến diễn ra suôn sẽ và hạn chế tối đa gián đoạn.
Học sinh, sinh viên có thể sử dụng nhiều ứng dụng để nộp bài tập, theo dõi chương trình học của họ, kết nối cùng với những người khác trong lớp học.
Các nền tảng công nghệ này cũng có thể được sử dụng để chia một lớp học trực tuyến thành các nhóm nhỏ giúp sinh viên có thể cộng tác với nhau trong các dự án hoặc bài tập nhóm.
Một số ứng dụng dựa trên đám mây đã được thiết kế đặc biệt cho sinh viên, thậm chí có thể cho phép sinh viên tham gia các kỳ thi.
Nhờ các kiểu chương trình như trên, sinh viên từ nhiều vùng miền khác nhau có cơ hội tiếp cận với các lớp học và tổ chức giáo dục mà họ mong muốn. Người học đều mong muốn có các chương trình học cấp bằng có tính linh hoạt hơn.
Những người không thể tham gia các lớp học trên giảng đường vì bất kỳ lý do nào đều sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của nền tảng học tập dựa trên đám mây này.
Trong kỷ nguyên số, các thiết bị “Internet of Things” hay IoT xuất hiện ngày càng phổ biến trong cuộc sống của con người. Không chỉ đơn giản là những chiếc điện thoại thông minh mà mọi người còn có thể tận dụng những cải tiến công nghệ từ những thứ nhỏ nhất như ổ cắm cho đến hệ thống giám sát an ninh cho ngôi nhà. Trong giáo dục, xu hướng này cũng đã được tận dụng, giúp kết nối các chương trình giảng dạy và sinh viên theo một cách hoàn toàn mới.
Ở cấp độ nhỏ hơn, IoT có thể giúp cải thiện môi trường học trên giảng đường như tăng cường tính năng an ninh và giảm thiểu chi phí, mang đến cho người học môi trường trải nghiệm học tập thoải mái nhất.
IoT cũng có thể giúp trường học duy trì kết nối với học sinh. Dấu thời gian (time-stamps, là một chuỗi các ký tự hoặc thông tin được mã hóa xác định khi một sự kiện nào đó xảy ra) giúp theo dõi các bài tập để học sinh, sinh viên có thể nắm rõ tiến độ học tập của mình và thời gian họ có thể nhận bằng tốt nghiệp. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể điểm danh và biết được ai đó không có mặt khi đang dạy trực tuyến.
Bảo mật đã và đang trở thành một xu hướng quan trọng khác trong cuộc cách mạng số ngành giáo dục. Các trường học thu thập nhiều thông tin về học sinh, từ dữ liệu cá nhân đến điểm số của họ và muốn đảm bảo rằng những thông tin này được bảo vệ và bảo mật.
Các giao thức mật mã (security protocol) cho phép trường học ghi lại, lưu trữ và truyền dữ liệu quan trọng của học sinh, sinh viên đã trở thành công nghệ cần thiết trong suốt quá trình chuyển đổi số. Các trường học cũng muốn đảm bảo rằng họ sẽ có một phương tiện an toàn cho phép học sinh gửi bài tập và xác minh tính xác thực của người dùng.
Điều này còn trở nên quan trọng hơn nữa trong các trường hợp học sinh làm bài kiểm tra hoặc các bài đánh giá năng lực khác trực tuyến. Các vi phạm bảo mật có thể gây thiệt hại cho các cá nhân và tổ chức nói chung, khiến việc bảo mật trở thành một ưu tiên và xu hướng quan trọng trong suốt quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Vì những xu hướng chuyển đổi số này đã tác động đến học sinh, sinh viên theo nhiều cách khác nhau nên họ cần biết về cách tương tác trực tuyến một cách lịch sự và văn minh. Điều này cũng giống như việc sinh viên học cách trở nên chuyên nghiệp hơn trong môi trường văn phòng hoặc bệnh viện. Các trường học đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc hình thành cho học sinh, sinh viên văn hóa công dân số.
Khi giáo dục học sinh trở thành một công dân số tốt, các trường học tạo điều kiện cho học sinh khai thác hết các khả năng của công nghệ. Để quá trình này đạt được kết quả tốt nhất, các tổ chức giáo dục nên hướng tới việc biến nó trở thành một phần văn hóa cho cả người học và người dạy.
Những nguyên tắc này hướng dẫn mọi người cư xử văn minh, hợp tác hơn khi hoạt động trực tuyến, từ đó giúp học sinh, sinh viên gặt hái được kết quả tốt trong quá trình học tập và trong các môi trường chuyên nghiệp khác.
Ngoài trình độ văn hóa số, người học còn được trang bị tốt hơn về các kỹ năng sử dụng internet, khả năng tạo sự chú ý với người khác thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, giúp họ tự tin hơn trong lĩnh vực, ngành nghề mà họ đã chọn.
Từ lâu, các trường học đã thu thập rất nhiều thông tin về học sinh theo học tại trường, bao gồm nhân khẩu học, điểm số và các lớp học. Dữ liệu lớn (big data) cung cấp cho các trường cơ hội nắm bắt những thông tin này tốt hơn và sử dụng nó để phân tích xu hướng cũng như yếu tố làm nên sự thành công của từng người học.
Ngoài các thông tin chính trên, nhờ dữ liệu lớn, các trường học có thể thu thập và phân tích nhiều thông tin hữu ích khác về học sinh, sinh viên giúp nhà trường hiểu rõ về học sinh, sinh viên của mình. Từ đó, nhà trường có thể cải thiện các chương trình đào tạo cho phù hợp.
Sự thay đổi để hướng tới một kỷ nguyên số hiện đại đã diễn ra trong ngành giáo dục. Các trường học ở tất cả các cấp đã bắt đầu công nhận những lợi ích từ việc thực hiện chuyển đổi số trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên của họ.
Xã hội, nghề nghiệp đang không ngừng phát triển và thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ và sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Điều này có tác động to lớn đến lĩnh vực giáo dục, dẫn đến một số xu hướng đang phát triển trong ngành giáo dục.
Đối với các nhà giáo dục, để thu hút học sinh, họ phải bám sát những thay đổi mới nhất này và các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc học trong trường học. Sự hiểu biết của nhà trường, tổ chức giáo dục về những xu hướng này có thể giúp họ tạo ra môi trường học tập hiệu quả hơn.
Duy Anh (Theo Hospitality Insights)