ABBank hút về 800 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu “ấm” trở lại với lãi suất thấp, các ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu để hút vốn lớn, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã: ABB) cũng không ngoại lệ.
Theo dữ liệu công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 19/11 vừa qua, ABBank phát hành thành công lô trái phiếu mã ABBL2427001 khối lượng 800 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, có kỳ hạn 3 năm (tức đáo hạn ngày 19/11/2027). Lô trái phiếu của ABBank có giá trị 800 tỷ đồng với lãi suất 5,5%/năm.
Đây là lô trái phiếu đầu tiên của ABBank phát hành trong năm 2024. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý lô trái phiếu này sẽ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của ngân hàng.
Kết quả phát hành trái phiếu mã ABBL2427001 tại ABBank (nguồn: HNX). |
Trước đó ít ngày, HĐQT ABBank công bố về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần một năm 2024.
Cụ thể, ABBank dự kiến phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng, đây là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. ABBank dự kiến phát hành tối đa 10 đợt, thời gian từ 1/11/2024 đến ngày 31/12/2024, mục đích nhằm bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng. Trái phiếu được phát hành dưới hình thức ghi sổ, lãi suất sẽ được tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương quyết định, đảm bảo phù hợp với lãi suất thị trường.
Ở diễn biến khác, từ đầu năm 2024 đến nay, ABBank đã chi ra 3.500 tỷ đồng để mua toàn bộ trước hạn 3 lô trái phiếu gồm các mã ABBL2225001 (phát hành tháng 10/2023 kỳ hạn 2 năm); ABBL2325001 (phát hành 8/2023 kỳ hạn 2 năm) và ABBL2325003 (phát hành 5/2022 có kỳ hạn 3 năm).
Tổng tài sản tăng nhẹ, ABBank tăng cường trích lập dự phòng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 tại ABBank, thu nhập lãi thuần tại ngân hàng này tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, đạt gần 738 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm như: Lãi từ dịch vụ giảm 57% còn hơn 82 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 46,4 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ gần 4 tỷ đồng;...
Dù chi phí hoạt động đi ngang ở mức 560 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 31%, xuống còn 182 tỷ đồng.
Quý III/2024, ABBank tăng trích lập dự phòng rủi ro cao gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên gần 526 tỷ đồng, dẫn đến ngân hàng lỗ sau thuế hơn 284,7 tỷ đồng - quý lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết, trong khi cùng kỳ 2023 lãi hơn 23 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế gần 239 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 1.000 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, ABBank còn cách khá xa khi mới thực hiện được 24% sau 3 quý.
Theo giải trình, lợi nhuận tại ABBank thấp hơn kỳ vọng do ngân hàng này tăng cường trích lập dự phòng theo diễn biến thực tế cũng như bối cảnh chung về tổng cầu thị trường bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của thiên tai.
Chất lượng tín dụng có dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu tính đến 30/9/2024 tăng 11% so với đầu năm, lên 3.158 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm lần lượt 25% và 12% so với đầu năm, xuống còn hơn 549 tỷ đồng và gần 956 tỷ đồng thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 60%, lên mức gần 1.653 tỷ đồng, chiếm tới 52% tổng nợ xấu của ngân hàng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tại ABBank tăng từ 2,91% hồi đầu năm lên gần 3,2% (vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Nhờ tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại ABBank tính đến 30/9/2024 ghi nhận 53,5%, tăng 7 điểm% so với đầu năm.
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại ABBank (nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2024). |
Nợ xấu tăng khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bị “bào mòn” đáng kể, cùng với đó là hạn chế khả năng mở rộng tín dụng. Do đó, để có thể mở rộng cho vay như kế hoạch, ABBank phải tìm kiếm thêm nguồn vốn huy động mới từ kênh trái phiếu.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản ABBank tăng nhẹ 1% so với đầu năm lên 164.193 tỷ đồng. Trong khi cho vay khách hàng tăng 1% lên 98.767 tỷ đồng, thì tiền gửi khách hàng giảm 9% xuống còn 91.089 tỷ đồng). Tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn của ABBank giảm 12% so với đầu năm, xuống còn 36.089 tỷ đồng.
ABBank ghi nhận kết quả tích cực trong chuyển đổi số Với nỗ lực không ngừng nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ cho khách hàng, ABBank đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ công tác chuyển đổi số với số lượng giao dịch trên một khách hàng có xu hướng tăng đều từ đầu năm. Riêng trong quý III, số lượng giao dịch qua ngân hàng số của khách hàng tại ABBank có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Với khách hàng cá nhân tăng 47% so với quý II và tăng 82% so với cùng kỳ 2023; với khách hàng doanh nghiệp tăng ấn tượng 248% so với quý II và tăng 145% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số lượng giao dịch online của khách hàng doanh nghiệp tăng xuất phát từ việc ABBank đã bắt đầu giới thiệu đến các khách hàng nền tảng Ngân hàng số ABBank Business hoàn toàn mới với nhiều tính năng tiện ích, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản trị tài chính doanh nghiệp. |