Phát triển giao thông xanh để thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững | ||
|
Nhà nước: hạt nhân định hình và thúc đẩy hệ sinh thái giao thông xanh
Từ các phân tích tại Hội thảo khoa học Phát triển Giao thông xanh diễn ra ngày 19/4/2025, có thể thấy rõ trong hành trình hướng đến giao thông và logistics xanh, vai trò dẫn dắt của Nhà nước là yếu tố không thể thay thế, từ việc hoạch định chính sách, bố trí nguồn lực đến tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Theo TS. Lê Xuân Trường (Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải), việc chuyển đổi phương tiện từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng điện sẽ không thực sự “xanh” nếu nguồn sản xuất điện vẫn dựa phần lớn vào nhiệt điện than, khí và dầu - hiện chiếm tới hơn 40% cơ cấu điện của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ông nhấn mạnh: “Chính phủ cần có một chiến lược tiếp cận tổng thể, không chỉ nhìn vào chiếc xe điện mà phải đánh giá toàn bộ vòng đời phát thải từ nhà máy điện cho tới đầu xe. Chỉ khi có sự đánh giá khoa học và đầu tư bài bản vào nghiên cứu so sánh, chúng ta mới xác định được đâu là con đường xanh đúng nghĩa.”
![]() |
TS. Lê Xuân Trường nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà nước trong việc hoạch định chiến lược tổng thể phục vụ cho mục tiêu vận tải và logistics xanh (Ảnh: Phong Nguyễn) |
Không dừng lại ở vai trò hoạch định, nhà nước còn cần trở thành nhà đầu tư chiến lược và người kiến tạo hệ sinh thái thông qua cơ chế tài chính, ưu đãi công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, và thúc đẩy sự gắn kết giữa trường đại học - nhà khoa học và doanh nghiệp. “Khoa học kỹ thuật luôn là trụ cột phát triển. nhưng nếu không có định hướng từ phía Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ rất khó để tiên phong,” TS. Trường phân tích.
Quan điểm này cũng được ông Đào Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Chính phủ, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) chia sẻ khi đánh giá thực tế phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) tại Hà Nội trong 10 năm qua. Dù tiềm năng rất lớn, nhưng hầu hết các dự án chỉ dừng lại ở mức thí điểm, hiệu quả chưa rõ ràng và thiếu chiến lược đồng bộ.
![]() |
Ông Đào Xuân Trường - Đại diện Viettel Solutions bày tỏ mong muốn được nhà nước đồng hành trong quá trình thử nghiệm công nghệ mới (Ảnh: Phong Nguyễn) |
“Những công nghệ như AI hiện nay đã rẻ hơn, hiệu quả hơn. Nếu nhà nước tiếp tục tạo điều kiện về chính sách thuê - mua, cũng như phối hợp chặt với các doanh nghiệp như chúng tôi, chắc chắn việc triển khai ITS sẽ có chuyển biến rõ rệt,” ông nhận định.
Cả hai chuyên gia đều thống nhất rằng: Nhà nước là "hạt nhân" định hình và thúc đẩy hệ sinh thái giao thông xanh, đồng thời có vai trò rất to lớn với doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chi phí cao. Sự chủ động từ phía nhà nước không chỉ giúp tháo gỡ các “nút thắt” chính sách và tài chính, mà còn tạo niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông quốc gia.
Hệ sinh thái công nghệ còn thiếu “người nhạc trưởng”
Trong buổi thảo luận, GS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (ĐH Kinh tế Quốc dân), cho rằng một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là sự phân mảnh: “Phần mềm phát triển riêng, phần cứng làm riêng, dữ liệu nằm rải rác ở nhiều đơn vị. Không có ai điều phối chung. Giao thông có thể xanh về công nghệ, nhưng chưa ‘xanh’ trong sự phối hợp.”
Ông kiến nghị xây dựng một cơ chế điều phối liên ngành, như một trung tâm điều phối giao thông quốc gia, có quyền truy cập và xử lý dữ liệu từ các bộ ngành, doanh nghiệp và địa phương.
![]() |
GS.TS. Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm, cần hạn chế sự lãng phí bằng cách tăng cường kết nối và phối hợp (Ảnh: Hoàng Tùng) |
Nhân lực: “mắt xích” then chốt để làm chủ công nghệ giao thông xanh
Bên cạnh những trăn trở về hạ tầng kỹ thuật, tại phiên thảo luận, nhiều chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực chuyên biệt trong việc phát triển hệ thống giao thông hiện đại. TS. Lê Xuân Rao đề xuất, các trường đại học cần khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về nhân lực cho ngành giao thông đường sắt, hệ thống điều khiển tự động, công nghệ nhận dạng phương tiện, đèn tín hiệu thông minh,... nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy các dự án đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc.
![]() |
TS. Lê Xuân Rao cho rằng nhân lực là yếu tố then chốt trong việc phát triển hệ thống giao thông thông minh (Ảnh: Bích Ngọc) |
Chia sẻ bên lề hội thảo, GS.TS Lê Hùng Lân - Trưởng Ban tổ chức cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hay đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
“Muốn phát triển kinh tế và khoa học công nghệ một cách bền vững, nhất thiết phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản, đồng bộ và gắn sát với thực tiễn. Trường Đại học Giao thông Vận tải từng đào tạo kỹ sư thông tin tín hiệu, đường sắt, nhưng do ngành đường sắt thời gian dài không phát triển, nên sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc. Đó là bài học về việc thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu xã hội”, ông phân tích.
![]() |
GS.TS Lê Hùng Lân chỉ rõ đào tạo nhân lực phải đi đôi với thực tế (Ảnh: Phong Nguyễn) |
Theo ông, để không lặp lại sai lầm cũ, cần có tầm nhìn dài hạn trong phát triển nguồn nhân lực, tức là đào tạo gắn liền với lộ trình phát triển thực tế. Song song, nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục và phối hợp chặt chẽ với các trường đại học trong quá trình chuyển giao công nghệ.
“Những dự án như đường sắt đô thị, đường sắt trên cao hay đường sắt cao tốc đều là công nghệ hiện đại mà Việt Nam chưa làm chủ. Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, họ sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Nhưng chuyển giao cho ai? Phải là những kỹ sư, chuyên gia được đào tạo bài bản từ các trường đại học trong nước,” GS.TS Lê Hùng Lân đặt vấn đề.
Ông kỳ vọng, với sự đồng bộ từ chính sách vĩ mô, cùng sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp - trường đại học - nhà khoa học, Việt Nam sẽ từng bước làm chủ công nghệ giao thông hiện đại và phát triển được lực lượng nhân lực mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Người tiêu dùng - mắt xích quan trọng trong chuỗi phát triển logistics xanh
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thu - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Thương mại và Dịch vụ chuyển phát nhanh PCS đã đưa ra một góc nhìn thiết thực về vai trò của người tiêu dùng trong quá trình thúc đẩy logistics xanh.
Theo bà Thu, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, Chính phủ và giới nghiên cứu, thì ý thức và hành vi tiêu dùng của người dân cũng là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành vận tải và logistics. Tuy nhiên, đây lại đang là một mắt xích còn khá lỏng lẻo trong toàn bộ chuỗi giá trị hiện nay.
“Người tiêu dùng hiện tại chưa có nhu cầu bắt buộc phải sử dụng dịch vụ logistics xanh. Khi lựa chọn dịch vụ, yếu tố giá rẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu, thay vì quan tâm đến tác động môi trường. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp logistics xanh, vốn phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, phương tiện, vật liệu thân thiện với môi trường. Và tất nhiên, chi phí dịch vụ vì thế cũng cao hơn.”
![]() |
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành logistics, bà Lê Thị Thu nêu rõ tầm quan trọng của hành vi người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi xanh |
Chính sự thiếu đồng hành từ phía người tiêu dùng đang khiến nhiều doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan”: nếu đầu tư xanh, họ khó cạnh tranh về giá; còn nếu cắt giảm chi phí, thì lại khó giữ được cam kết phát triển bền vững.
Từ thực tiễn vận hành doanh nghiệp, bà Thu cho rằng cần có các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người tiêu dùng hiểu rõ giá trị thật của sự tiện lợi ngắn hạn và giá trị lâu dài của tiêu dùng có trách nhiệm. Ngoài ra, có thể xem xét áp dụng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế hoặc giá thành đối với các doanh nghiệp thực hành logistics xanh, như một cách để cân bằng chi phí và tạo động lực phát triển bền vững.
“Chuyển đổi xanh không thể chỉ đến từ một phía. Khi người tiêu dùng đồng hành, doanh nghiệp mới có động lực đổi mới. Và khi doanh nghiệp vững vàng, toàn ngành logistics mới có thể tiến xa trên hành trình phát triển xanh,” bà Lê Thị Thu nhấn mạnh.
Hội thảo “Phát triển Giao thông xanh” đã chứng minh rằng: giao thông không thể tách rời công nghệ, logistics không thể thiếu hạ tầng, và những giải pháp thông minh chỉ hiệu quả khi có sự điều phối bài bản. Giao thông xanh là nhiệm vụ của cả hệ sinh thái, không thể kỳ vọng một đơn vị tự giải quyết tất cả.
Bích Ngọc - Thuỳ Linh
Hội thảo khoa học Phát triển giao thông xanh diễn ra ngày 19/4/2025, do Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT), Khoa Điện - Điện tử, phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Chi hội Tự động hóa GTVT và Logistics, Tạp chí Tự động hóa Ngày nay tổ chức. Hội thảo diễn ra với các hoạt động chính: Báo cáo khoa học, Diễn đàn doanh nghiệp và không gian kết nối 3 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. |
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/giao-thong-xanh-bai-toan-chinh-sach-cong-nghe-va-hanh-vi-tieu-dung-13111.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.