Tạo hệ sinh thái thực chất để kinh tế tư nhân và doanh nghiệp công nghệ cùng phát triển

Phát triển kinh tế khu vực tư nhân và thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ là hai trụ cột quan trọng trong định hướng chính sách mới của Chính phủ. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân đã có những phân tích về Chỉ thị 10/CT-TTg cũng như Nghị quyết 57-NQ/TW, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị thực tiễn để chính sách đi vào cuộc sống.
Vai trò của kinh tế tư nhân trong mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045 Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng Thông điệp của Tổng Bí thư về phát triển kinh tế tư nhân: Tư duy và tầm nhìn chiến lược "Cần mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân" Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân
Cần tạo hệ sinh thái thực chất để kinh tế tư nhân và doanh nghiệp công nghệ cùng phát triển
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

Kinh tế tư nhân: Cần môi trường đầu tư minh bạch và bình đẳng

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Chỉ thị 10/CT-TTg được ban hành ngày 25/3/2025 trong bối cảnh hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Trong suốt 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí, vai trò to lớn và trách nhiệm xã hội của mình, với tiềm năng và triển vọng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, khu vực này chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách và tạo ra 82% việc làm. Do đó, cần tiếp tục kiên định với tư tưởng nhất quán về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt chú trọng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chỉ thị là sự thể hiện bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân, là sự đột phá nhận thức về sứ mệnh to lớn của kinh tế tư nhân là trụ cột đáng tin cậy, có tầm quan trọng cao nhất so với các thành phần kinh tế khác trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn vươn mình của dân tộc. Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% năm 2025 và từ năm 2026 trở đi, phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số, hướng tới mục tiêu giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng. Để đất nước vươn mình mạnh mẽ, liên tục và vững chắc, cần có các thành phần kinh tế làm trụ cột và kinh tế tư nhân là một trong các trụ cột đó. Chỉ thị là lời hiệu triệu thiêng liêng các Bộ ban ngành và các tầng lớp nhân dân, lan toả mạnh về một thời kỳ phát triển mới của kinh tế tư nhân, đòi hỏi việc tạo điều kiện tối ưu để kinh tế tư nhân - phát huy tác động tích cực lớn nhất, phục vụ mục tiêu phát triển. Chỉ thị còn cho thấy sự cần thiết phải đối xử bình đẳng thực sự giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác, như kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò tiên phong trong xuất - nhập khẩu.

Ở mức độ và phạm vi lớn hơn, Chỉ thị là mệnh lệnh quan trọng đặt ra yêu cầu hỗ trợ đồng bộ nhất, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn kinh tế tư nhân so với giai đoạn trước để phù hợp với nhiệm vụ nặng nề và cao cả trong giai đoạn cách mạng mới. Trọng tâm hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi có những thay đổi đột ngột thị trường, chuỗi cung ứng cả trong nước và thế giới. Vì vậy, việc hỗ trợ, tạo điều kiện sẽ không coi là phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, thể hiện quan điểm toàn diện và tính bao trùm trong phát triển.

Doanh nghiệp KH&CN: Cần cơ chế thực chất để vượt qua “lời nói hay”

Theo ông, Chỉ thị 10/CT-TTg đã tác động tích cực như thế nào đến các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 đặt trọng tâm vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Đây là giai đoạn đặc biệt, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong khối kinh tế tư nhân nhận được sự hỗ trợ “kép” của cả Nghị quyết 57-NQ/TW từ năm 2024 về đột phá khoa học công nghệ và Chỉ thị 10/CT-TTg từ năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân trực tiếp là doanh nghiệp tư nhân. Nếu Nghị quyết 57-NQ/TW là điều kiện cần để bảo đảm định hướng phát triển sâu khoa học - công nghệ trên thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi của mô hình tăng trưởng giai đoạn mới thì Chỉ thị 10/CT-TTg là điều kiện đủ để bảo đảm hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc khối kinh tế tư nhân lâu dài, bình đẳng, vững chắc. Bản chất kinh tế tư nhân dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân nên đối mặt với áp lực rất cao, đó là sáng tạo thường xuyên, liên tục, đa dạng, năng động, linh hoạt với tình hình thị trường, xu hướng phát triển công nghệ cao nhất để tối đa hóa lợi ích.

Sự sáng tạo tối đa của kinh tế tư nhân phù hợp với mô hình đổi mới sáng tạo đặt ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW là sự khẳng định và tiếp thêm động lực tăng tốc chiến lược đổi mới sáng tạo. Chỉ thị 10/CT-TTg bảo đảm điều kiện toàn diện và tốt nhất để huy động nguồn lực lớn nhất vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hay doanh nghiệp sẽ được hoạt động trong những lĩnh vực pháp luật không cấm. Theo đó, các doanh nghiệp khoa học công nghệ tư nhân sẽ định hình tầm nhìn mới, sứ mệnh mới trong mô hình tăng trưởng mới với ý chí chiến lược phát triển mới. Những công nghệ lõi, công nghệ gốc, công nghệ chiến lược và có tính thương mại hóa cao về năng lượng, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ hạt nhân, vũ trụ, công nghệ sinh học, tự động hóa,… sẽ được đầu tư nghiên cứu và phát triển nhiều hơn, tập hợp lớn hơn nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao để tạo được đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng.

Công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh để phù hợp với xu thế số hóa đồng bộ, tạo nền tảng phát triển mới để tận dụng triệt để tiến bộ công nghệ phục vụ sự phát triển. Chỉ thị 10/CT-TTg tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển từ các cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tượng hữu quan khác, giảm thiểu sự phân biệt đối xử, đơn giản hóa, tinh giản hóa thậm chí loại bỏ hoàn toàn tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, gây lãng phí thời gian, chi phí, làm phân tán mức độ tập trung nghiên cứu của nhà khoa học và phát triển công nghệ.

Chỉ thị 10/CT-TTg còn tạo mức độ khuyến khích cao nhất cho doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển như khuyến khích thông qua miễn giảm thuế và các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, khen thưởng, tôn vinh, động viên tinh thần, tạo điều kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, huy động triệt để tiềm năng và tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn chưa được “đánh thức” từ các doanh nghiệp tư nhân và toàn xã hội, gia tăng đầu tư và sự tham gia của nhân lực xã hội vào khoa học công nghệ, tăng số lượng, quy mô, tăng chất lượng và sự đa dạng sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ, theo đó thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ thực chất trong hệ thống thị trường đồng bộ.

Cần tạo hệ sinh thái thực chất để kinh tế tư nhân và doanh nghiệp công nghệ cùng phát triển
Các doanh nghiệp khoa học công nghệ tư nhân sẽ định hình tầm nhìn mới, sứ mệnh mới trong mô hình tăng trưởng mới với ý chí chiến lược phát triển thông qua Chỉ thị 10/CT-TTg và Nghị quyết 57-NQ/TW

Gỡ nút thắt và hỗ trợ theo chuỗi

Để Chỉ thị 10/CT-TTg đi vào cuộc sống, theo ông những “nút thắt” nào cần tháo gỡ ngay, đặc biệt ở cấp địa phương và các bộ ngành quản lý chuyên ngành?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Có 3 nút thắt cần tháo gỡ ở cấp địa phương và các bộ quản lý chuyên ngành.

Nút thắt 1, vẫn còn sự đối xử thiếu bình đẳng thực sự giữa kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân trực tiếp, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn lực để tạo ra giá trị như khó khăn tiếp cận đất đai, nguồn vốn, nguồn tín dụng hay tiếp cận các đơn đặt hàng, các dự án có khả năng sinh lợi cao từ phía nhà nước.

Nút thắt 2, môi trường kinh doanh ở các địa phương chưa thật minh bạch, rõ ràng, nhiều loại điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính gây lãng phí thời gian, tăng chi phí chính thức và chi phí tuân thủ làm tăng chi phí cơ hội đối với các chủ thể của kinh tế tư nhân. Nút thắt này giảm khả năng thâm nhập thị trường và làm tăng khả năng rút lui khỏi thị trường hay kìm hãm tiềm năng và sức bật của doanh nghiệp tư nhân nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nút thắt 3, cơ chế, chính sách, công cụ, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích trực tiếp phát triển kinh tế tư nhân còn dè dặt, thiếu toàn diện, lâu dài, hiệu năng chưa cao như mong đợi, do đó, dễ làm lệch lạc giữa mục tiêu chính sách đặt ra với tác động và kết quả thực tế khi triển khai thực hiện.

Nghị quyết 57-NQ/TW đưa ra nhiều định hướng cho doanh nghiệp khoa học công nghệ. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất khi triển khai nghị quyết này?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Cùng với những định hướng quan trọng, mang tính chiến lược và dài hạn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, khi triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, thách thức lớn nhất là việc nhanh chóng hình thành thị trường khoa học công nghệ cao vận hành ổn định và mang tính dẫn dắt các thị trường khác như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường hàng hóa - dịch vụ để bảo đảm tính đồng bộ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi có thị trường khoa học công nghệ vận hành hiệu quả thì Nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống. Thị trường khoa học công nghệ có chức năng phân bổ nguồn lực tối ưu và sáng tạo giá trị. Nghị quyết 57-NQ/TW nhằm phát triển khoa học công nghệ theo hướng công nghệ cao với việc phát huy vai trò nhà nước trong gia tăng chí phí nghiên cứu và phát triển từ 0,5% lên khoảng 2% GDP.

Tuy nhiên, khoản chi này từ ngân sách là đầu tư công sử dụng cho khu vực nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân sẽ rất khó tiếp cận nguồn kinh phí này trực tiếp mà chỉ có thể thông qua các khuyến khích tài khóa về miễn giảm thuế, có thể miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% thuế cho 4 năm tiếp theo như theo Luật Đầu tư hoặc các ưu đãi vật chất và tinh thần khác. Các doanh nghiệp tư nhân chỉ còn chỗ dựa lâu dài và thường trực là thị trường và động lực, niềm tin vào thị trường là chỗ dựa để đầu tư, điều chỉnh chiến lược và sáng tạo giá trị.

Để thị trường khoa học công nghệ hình thành và vận hành hiệu quả, cần có nguồn cung dồi dào về các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ từ lực lượng doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và nguồn sản phẩm dịch vụ này từ đối tác nước ngoài cũng như tổng cầu về sản phẩm và dịch vụ khoa học đủ lớn để tạo động lực huy động nguồn vốn đầu tư, cơ sở vật chất, nhân lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo và giá cả sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ được hình thành khách quan trên cơ sở cung cầu, sự hoạt động của mạng lưới môi giới, thông tin khoa học công nghệ và pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực trình độ cao về khoa học công nghệ.

Chính vì thế, vai trò kiến tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ, bảo hiểm rủi ro trong nghiên cứu công nghệ cao không thành công thậm chí thất bại vừa là thách thức lớn nhất, vừa là tiêu chuẩn kiểm định khắt khe sự thành công của Nghị quyết và cũng là cơ hội to lớn để chính phủ phát huy chức năng kiến tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ theo phương châm “nhà nước phát triển thị trường, thị trường định hướng doanh nghiệp”,...

Doanh nghiệp tư nhân cần trở thành hạt nhân sáng tạo trong giai đoạn phát triển mới

Ông kỳ vọng gì từ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sau Chỉ thị 10/CT-TTg được ban hành? Doanh nghiệp cần làm gì để không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà còn là tác nhân thúc đẩy cải cách?

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Việc ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - nơi chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành một lực lượng doanh nghiệp tư nhân vừa đông đảo, vừa có chất lượng cao.

Sau hơn 40 năm đổi mới, khu vực tư nhân đã có những bước trưởng thành đáng kể với nhiều tập đoàn như Vingroup, FPT vươn lên vị thế khu vực và quốc tế. Những tín hiệu tích cực từ thị trường, cộng với sức bật của thế hệ Gen Z giàu kỹ năng số, đang mở ra cơ hội tạo nên làn sóng khởi nghiệp mới trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, logistics, nông nghiệp công nghệ cao.

Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó nhiều doanh nghiệp sẽ bước vào chuỗi giá trị toàn cầu, sở hữu công nghệ lõi và trở thành thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực, thậm chí toàn cầu.

Tuy nhiên, để không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà trở thành tác nhân cải cách, theo tôi, doanh nghiệp tư nhân - nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tận dụng tốt các ưu đãi chính sách, tăng cường liên kết trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực quản trị và sức chống chịu.

Đồng thời, doanh nghiệp cần coi phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội không chỉ là nghĩa vụ mà phải trở thành chiến lược dài hạn. Việc đầu tư mạnh cho R&D, sở hữu công nghệ cốt lõi, phát triển nhân lực công nghệ cao và tiếp nhận - làm chủ công nghệ chuyển giao sẽ là yếu tố quyết định để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bứt phá.

Vai trò đồng hành giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong việc góp ý, đánh giá chính sách, đề xuất hoàn thiện thể chế rất quan trọng. Đây là nền tảng để xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân vững mạnh, sáng tạo và có trách nhiệm, đóng vai trò trụ cột trong chiến lược phát triển quốc gia.

Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Hương Duyên (thực hiện)

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/tao-he-sinh-thai-thuc-chat-de-kinh-te-tu-nhan-va-doanh-nghiep-cong-nghe-cung-phat-trien-13587.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.