![]() |
Petrovietnam khẳng định vai trò chiến lược qua hợp tác quốc tế
Từ ngày 5 đến 12/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Kazakhstan, Azerbaijan, Liên bang Nga và Belarus theo lời mời của lãnh đạo các quốc gia này. Chuyến công tác đã thành công tốt đẹp, củng cố vững chắc lòng tin chính trị và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước từng là thành viên Liên Xô cũ. Chuyến thăm đồng thời chuyển tải thông điệp về tình cảm thủy chung, trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với các đối tác đã từng ủng hộ Việt Nam trong lịch sử và hiện nay. Các nhà lãnh đạo và người dân tại các nước đã đón tiếp Tổng Bí thư và đoàn đại biểu Việt Nam một cách nồng hậu, trọng thị, thể hiện tình cảm đặc biệt và sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin chứng kiến Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam Lê Mạnh Hùng và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Zarubezhneft Sergey Kudryashov trao Hợp đồng mua bán khí thiên nhiên từ lô 12/11 giữa Petrovietnam, Zarubezhneft và Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) |
Chuyến công du của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo động lực mạnh mẽ cho các hoạt động đối ngoại kinh tế của Việt Nam, trong đó đáng chú ý là dấu ấn hợp tác quốc tế của Petrovietnam.
Tại Kazakhstan, Petrovietnam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia KazMunayGas, mở ra cơ hội tiếp cận khu vực Trung Á giàu tiềm năng dầu khí. Song song, lãnh đạo Petrovietnam cũng tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt - Kazakhstan nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại.
Ở Azerbaijan, Petrovietnam cùng Tập đoàn SOCAR ký các văn kiện hợp tác chiến lược, thể hiện sự quan tâm của hai bên trong việc triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí. Những thỏa thuận này không chỉ mở rộng thị trường mà còn mang ý nghĩa chính trị - chiến lược, giúp Việt Nam tiếp cận các hành lang năng lượng trọng yếu như Caspian - Biển Đen.
Trong khi đó, tại Liên bang Nga - đối tác chiến lược truyền thống - Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo Công ty Zarubezhneft, đối tác lâu năm của Petrovietnam trong liên doanh Vietsovpetro. Hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác bền vững, lâu dài, trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Dù tại Belarus chưa có các ký kết cụ thể trong lĩnh vực năng lượng, chuyến thăm vẫn đóng vai trò “mở khóa ngoại giao”, tạo nền tảng hợp tác trong tương lai, bao gồm cả đào tạo kỹ thuật, thiết bị và hậu cần ngành dầu khí.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev chứng kiến Lễ trao Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thăm dò dầu khí tại Kazakhstan giữa Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam và Công ty Dầu khí Quốc gia Kazakhstan |
Dưới góc độ kinh tế - chính trị, các hoạt động này cho thấy Petrovietnam đang chủ động tái định vị vai trò từ một tập đoàn dầu khí truyền thống sang một doanh nghiệp công nghiệp năng lượng tích hợp, hiện đại. Hợp tác với các tập đoàn nhà nước nước ngoài phản ánh chiến lược lựa chọn đối tác có mục tiêu phát triển tương đồng, đồng thời tránh phụ thuộc vào các nhà đầu tư tư nhân mang tính chất tài chính ngắn hạn.
Trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu biến động bởi xung đột địa chính trị và yêu cầu chuyển đổi xanh, các thỏa thuận hợp tác này không chỉ giúp Petrovietnam đảm bảo nguồn cung, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực nội tại và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Quan trọng hơn, chuyến công du lần này của Tổng Bí thư thể hiện rõ vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc xây dựng “ngoại giao năng lượng” chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp quốc gia. Các cam kết được ký dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư là bảo chứng chính trị cho niềm tin và sự ổn định trong các liên kết chiến lược quốc tế.
Từ các kết quả hợp tác quốc tế đó, Petrovietnam không chỉ củng cố vị thế trong khu vực mà còn góp phần bảo vệ an ninh năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
![]() |
![]() |
Thế giới năm 2025 đang trải qua làn sóng chuyển dịch năng lượng lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai, khi các nền kinh tế chủ chốt bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch. Từ đầu năm 2025 đến nay, trong bối cảnh đó, việc Petrovietnam mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược như Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia hay Azerbaijan là một bước đi mang tính chiến lược kép - vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong ngắn hạn, vừa đặt nền móng cho hạ tầng năng lượng xanh dài hạn.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác giữa Petrovietnam và Công ty Kellog Brown & Root Hoa Kỳ |
Chẳng hạn, các thỏa thuận giữa Petrovietnam với Rosatom (Nga) về năng lượng hạt nhân không chỉ là dấu hiệu khôi phục mối quan tâm đến điện hạt nhân - vốn bị đình trệ từ 2016, mà còn giúp Việt Nam không bị tụt hậu trong cuộc chơi “carbon thấp” của thế giới. Tương tự, việc hợp tác với JERA (Nhật Bản), GE Vernova (Hoa Kỳ) và Petronas (Malaysia) về LNG và hydrogen cho thấy Petrovietnam đang dịch chuyển trọng tâm từ dầu khí thô sang các cấu phần năng lượng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.
Có thể thấy Petrovietnam đang theo đuổi một chiến lược “đa phương hóa đối tác năng lượng” để tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung nào trong dài hạn. Trong thời kỳ mà năng lượng trở thành công cụ mặc cả trong quan hệ quốc tế - như những gì đã xảy ra tại châu Âu hậu khủng hoảng Ukraine - việc duy trì các mối quan hệ cân bằng giữa Nga, Mỹ, Nhật, ASEAN và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC là quyết sách cần thiết.
Đáng chú ý, trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản đóng vai trò cung cấp công nghệ, thiết bị và LNG thương mại, thì Nga và Azerbaijan lại đảm nhiệm vai trò nguồn cung chiến lược và đào tạo kỹ thuật chuyên sâu. Cấu trúc hợp tác này vừa tăng cường năng lực nội tại của ngành dầu khí Việt Nam, vừa giúp “mở khóa” các lĩnh vực đang bị hạn chế bởi công nghệ nhập khẩu - ví dụ như điện hạt nhân, khoan khai thác sâu và lưu trữ khí.
Từ hợp tác quốc tế đến thay đổi cấu trúc ngành năng lượng quốc gia
![]() |
Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, Petrovietnam, PVEP và các đối tác, tổ hợp nhà thầu đã ký kết hợp đồng PSC Lô 15-2 |
Việc Petrovietnam đổi tên từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam không đơn thuần là hình thức. Dưới góc độ kinh tế chính trị, đây là sự tái định nghĩa lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong giai đoạn phát triển mới - nơi năng lượng không chỉ là yếu tố sản xuất, mà còn là công cụ chiến lược để thúc đẩy công nghiệp hóa và bảo vệ chủ quyền năng lượng.
Thông qua hợp tác quốc tế, Petrovietnam không chỉ nhập khẩu công nghệ, mà còn tái cấu trúc chuỗi giá trị ngành năng lượng: từ thăm dò khai thác (upstream), chế biến (midstream) đến sản xuất điện, hydrogen, và các sản phẩm công nghiệp hóa dầu (downstream). Đây là bước đệm cần thiết để Việt Nam tiến tới tự chủ công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
![]() |
Petrovietnam tổ chức chương trình gặp mặt năm 2025 với các nhà thầu, nhà điều hành và các đối tác trong lĩnh vực dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam |
Tuy nhiên, thành công của các hợp tác quốc tế không thể dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp. Trong bối cảnh địa chính trị khu vực có nhiều bất định (cạnh tranh Mỹ - Trung, bất ổn Trung Đông), vai trò của Nhà nước trong điều phối chính sách đối ngoại năng lượng, thiết lập khung pháp lý ổn định và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư dài hạn là điều không thể thiếu.
Bên cạnh đó, việc thực thi Luật Dầu khí sửa đổi 2022 thông qua hợp đồng chia sản phẩm đầu tiên với Nhật Bản (Block 15/2) là tín hiệu tích cực, nhưng vẫn cần cải cách sâu hơn để thu hút các nhà đầu tư lớn và đưa khối tư nhân vào quá trình chuyển đổi năng lượng.
Petrovietnam đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi đầy hứa hẹn. Hợp tác quốc tế là động lực thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa thị trường và gia tăng vị thế quốc tế. Để thực sự trở thành đầu tàu của ngành năng lượng quốc gia trong thời đại hậu carbon, Petrovietnam đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh đầu tư R&D, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp và nâng cao tính tự chủ chiến lược nhằm biến các quan hệ hợp tác quốc tế thật sự trở thành đòn bẩy cho sự phát triển bền vững và độc lập năng lượng quốc gia.
Tính đến tháng 5 năm 2025, Petrovietnam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với hơn 30 tập đoàn và công ty nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng và công nghiệp phụ trợ. Các đối tác này đến từ nhiều quốc gia và khu vực như Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Thái Lan, Azerbaijan, Kazakhstan, Trung Đông và Nam Mỹ. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm thăm dò và khai thác dầu khí, phát triển năng lượng tái tạo (như điện gió ngoài khơi), chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực. Petrovietnam cũng đang mở rộng hoạt động ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với 11 hợp đồng dầu khí đang triển khai tại 9 quốc gia khác nhau. |
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/petrovietnam-2025-hop-tac-quoc-te-la-dong-luc-moi-cho-chien-luoc-cong-nghiep-hoa-nang-luong-quoc-gia-13733.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.