![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo Petrovietnam thực hiện nghi thức khai trương tên gọi mới Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia. |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 9/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Quyết định nêu rõ: Đồng ý đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo đề xuất của Tập đoàn, cụ thể như sau:
Tên gọi đầy đủ: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Tên giao dịch: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Tên giao dịch quốc tế: Vietnam National Industry - Energy Group.
Tên gọi tắt: PETROVIETNAM, viết tắt là PVN.
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại Luật Dầu khí năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; các Hiệp định, văn bản, thỏa thuận và Hợp đồng đã ký kết với các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/4/2025.
Tính đến hết năm 2024, tài sản hợp nhất của Petrovietnam có 1,066 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 545 nghìn tỷ đồng, 3 năm liên tục phá kỷ lục tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Riêng năm 2024, Tập đoàn đã vượt 1 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với năm 2023 và tăng 36% so với năm 2019.
Những thành tựu quan trọng này đã giúp Petrovietnam thực hiện hiệu quả “5 chữ An”: đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; an ninh kinh tế; an ninh lương thực; tham gia góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển và tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Năm 2025 đánh dấu chặng nước rút quan trọng qua 40 năm Đổi mới, bước vào Đại hội Đảng lần thứ XIV và kỷ nguyên “vươn mình” mạnh mẽ. Bộ Chính trị với Kết luận số 76, đã định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia đóng vai trò nòng cốt. Đây là vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm, nhiệm vụ nặng nề. Để đáp ứng kỳ vọng, Tập đoàn đã tập trung xây dựng chiến lược mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời đẩy mạnh phát triển điện gió, hydrogen, ammoniac, LNG, chế tạo các thiết bị năng lượng..., Đồng thời, Petrovietnam chú trọng tăng cường nguồn lực, thu hút nhân tài, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu.
![]() |
Giàn Cá Tầm 02, một trong 05 mỏ/công trình dầu khí mới vào khai thác trong năm 2022 |
Mục tiêu bao trùm của Petrovietnam là phát triển mô hình vượt trội cho mục tiêu tăng trưởng “2 con số”. Đây là nhiệm vụ rất to lớn. Năm 2025, phương châm toàn Tập đoàn hướng tới là “Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững”. Đây sẽ là những định hướng nền tảng cho bước chuyển mới của Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.
Trong tương lai, Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia xác định công nghiệp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Đồng thời, Tập đoàn chú trọng phát triển các mô hình quản trị và kinh doanh vượt trội, linh hoạt thích ứng với biến động của thị trường và môi trường kinh doanh, từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo từ cốt lõi theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi những bước đi mạnh mẽ và đồng bộ. Đảng ủy và lãnh đạo Petrovietnam xác định: Trước hết phải đồng bộ hóa cải cách thể chế; hoàn thiện và triển khai bằng được các giải pháp đảm bảo tính khả thi của việc triển khai chiến lược theo Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, theo hướng mở ra không gian và định hướng mới cho ngành Dầu khí nói chung.