Thủ tướng giao Petrovietnam làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 Xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Nghị quyết cần quy định rõ các cơ chế liên quan đến PVN và EVN |
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nhạy cảm nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thủ tướng đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Về tiến độ, Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.
![]() |
Bối cảnh điện hạt nhân trên thế giới
Tổng công suất điện hạt nhân toàn cầu hiện nay đạt khoảng 393,8 GW, được cung cấp bởi 438 lò phản ứng hoạt động tại 32 quốc gia.
Hiện nay, một số quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới bao gồm: Hoa Kỳ - nước dẫn đầu với công suất khoảng 97 gigawatt (GW) từ 93 lò phản ứng hạt nhân thương mại, chiếm hơn 30% sản lượng điện hạt nhân toàn cầu. Điện hạt nhân đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện của Hoa Kỳ. Trung Quốc đứng thứ hai với công suất điện hạt nhân đang tăng nhanh. Nước này đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng hạt nhân, với kế hoạch xây dựng 150 lò phản ứng mới vào năm 2035, dự kiến chi phí lên tới 440 tỷ USD. Pháp là quốc gia có tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện cao nhất thế giới, với khoảng 70% điện năng được sản xuất từ các nhà máy hạt nhân. Nga sở hữu nhiều lò phản ứng hạt nhân và đang mở rộng công suất thông qua việc xây dựng thêm các lò phản ứng mới. Nhật Bản sau thời gian tạm ngừng do sự cố Fukushima, đang tăng tốc phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
![]() |
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của Nhật là nhà máy có công suất lớn nhất thế giới |
Quy trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Mặc dù có sự khác biệt giữa các quốc gia, nhưng về cơ bản, các bước phổ biến trong quy trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân bao gồm 6 bước là: Lập kế hoạch và phê duyệt dự án; thiết kế và lựa chọn công nghệ; xây dựng và lắp đặt; kiểm tra và vận hành thử nghiệm; vận hành chính thức và bảo trì; ngừng hoạt động và tháo dỡ (khi hết vòng đời hoạt động).
![]() |
Nhà máy điện hạt nhân Cattenom của Pháp |
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một quá trình dài, có thể kéo dài từ 10-15 năm, yêu cầu sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Các quốc gia như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, và Nga đều tuân theo các quy trình này với một số điều chỉnh theo luật pháp và công nghệ nội địa.
![]() |
Bruce - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất khu vực Bắc Mỹ |
Kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Việc rút ngắn thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là một thách thức lớn, đòi hỏi sự kết hợp giữa cải tiến công nghệ, tinh gọn thủ tục hành chính, đảm bảo nguồn vốn và tăng cường hợp tác quốc tế. Những nước có chiến lược hiệu quả như Trung Quốc và Nga đã có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vòng 5-7 năm thay vì 10-15 năm như trước đây.
Để rút ngắn thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân, theo kinh nghiệm phổ biến thến thế giới, một số quốc gia áp dụng nhiều biện pháp về kỹ thuật, tài chính và quản lý nhằm tối ưu hóa quy trình.
Theo đó có 6 giải pháp thường được áp dụng:
1. Chọn công nghệ tiên tiến, có sẵn thiết kế tiêu chuẩn
Sử dụng thiết kế lò phản ứng đã được chứng nhận: Các mẫu lò phản ứng như AP1000 (Mỹ), EPR (Pháp), Hualong One (Trung Quốc) và VVER (Nga) có sẵn thiết kế tiêu chuẩn, giúp giảm thời gian phê duyệt.
Ưu tiên lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR - Small Modular Reactor): SMR có thiết kế nhỏ gọn, sản xuất theo mô-đun, có thể lắp ráp nhanh hơn so với lò phản ứng truyền thống.
2. Cải tiến quy trình cấp phép và phê duyệt
Thực hiện cấp phép song song: Một số nước như Mỹ và Trung Quốc cho phép thực hiện song song các bước cấp phép thiết kế, xây dựng và vận hành thay vì tuần tự.
Chuẩn hóa quy trình quản lý: Ứng dụng công nghệ số trong quản lý dự án để tăng tốc độ thẩm định và phê duyệt.
3. Ứng dụng công nghệ và phương pháp thi công tiên tiến
Xây dựng theo phương pháp "Module Construction": Các bộ phận của nhà máy được chế tạo sẵn tại nhà máy và chỉ lắp ghép tại công trường, giúp rút ngắn thời gian xây dựng.
Tăng cường tự động hóa và robot: Ứng dụng công nghệ in 3D, AI và robot trong thi công để giảm sai sót và đẩy nhanh tiến độ.
4. Đảm bảo tài chính và đầu tư
Áp dụng mô hình đầu tư công - tư (PPP): Kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để giảm áp lực tài chính và triển khai nhanh hơn.
Sử dụng các quỹ hỗ trợ quốc tế: Nhận vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoặc hợp tác với các quốc gia có công nghệ hạt nhân phát triển.
5. Hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm
Hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm: Các nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc thường hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để tăng tốc độ triển khai.
Tham gia vào các chương trình hạt nhân của IAEA: Nhằm tiếp cận các quy trình tối ưu và học hỏi kinh nghiệm từ các dự án thành công.
6. Đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực quản lý
Xây dựng đội ngũ kỹ sư hạt nhân chất lượng cao: Hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để đào tạo chuyên sâu.
Cải tiến hệ thống quản lý dự án: Áp dụng các mô hình quản lý hiện đại như BIM (Building Information Modeling) để giám sát tiến độ và tối ưu nguồn lực.
Vai trò của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một dự án chiến lược có ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng và kinh tế, nên hầu hết các quốc gia lớn đều giao cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc doanh nghiệp có sự kiểm soát của nhà nước thực hiện. Một vài ví dụ điển hình về cách tiếp cận của một số nước lớn trong lĩnh vực điện hạt nhân như sau:
Một số quốc gia giao DNNN xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tại Trung Quốc, các Tập đoàn được giao thực hiện việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là China National Nuclear Corporation (CNNC) và China General Nuclear Power Group (CGN) đều là doanh nghiệp nhà nước. Ba lý do là chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát chặt chẽ công nghệ hạt nhân vì lý do an ninh; điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, cần sự ổn định lâu dài; Nhà nước có khả năng đầu tư lớn và kiểm soát chi phí tốt hơn.Tại Nga, tập đoàn được giao thực hiện là Rosatom, 100% vốn nhà nước, quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng điện hạt nhân của Nga. Lý do: Nga sử dụng điện hạt nhân như một công cụ địa chính trị, cung cấp công nghệ cho nhiều nước qua chương trình hợp tác. Rosatom có kinh nghiệm vận hành và xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài. Nhà nước kiểm soát để đảm bảo an toàn hạt nhân theo tiêu chuẩn cao.
Pháp giao cho Electricité de France (EDF) – tập đoàn do nhà nước sở hữu phần lớn cổ phần, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Lý do, EDF có kinh nghiệm lâu đời, đảm bảo sự ổn định trong quản lý và vận hành. Chính phủ kiểm soát giá điện và đảm bảo an ninh năng lượng.
Hàn Quốc giao việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Korea Hydro & Nuclear Power (KHNP) – công ty con của Korea Electric Power Corporation (KEPCO), sở hữu bởi nhà nước. Lý do: Điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cần có sự kiểm soát nhà nước. Nhà nước Hàn Quốc đảm bảo đầu tư dài hạn để phát triển công nghệ hạt nhân. KEPCO có khả năng xuất khẩu công nghệ hạt nhân (đã bán lò phản ứng cho UAE).
Bên cạnh việc giao thực hiện các dự án điện hạt nhân cho DNNN thì một số quốc gia cũng cho phép tư nhân tham gia nhưng vẫn có sự kiểm soát nhà nước. Ở Mỹ, nhiều công ty tư nhân như Westinghouse Electric, General Electric tham gia phát triển lò phản ứng dưới sự kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ (NRC). Ba lý do cơ bản là Mỹ có môi trường kinh tế tư nhân mạnh, có thể đầu tư linh hoạt; nhà nước muốn tránh rủi ro tài chính từ các dự án hạt nhân đắt đỏ; các công ty tư nhân có năng lực cạnh tranh và sáng tạo hơn.
Tại Nhật Bản, Tokyo Electric Power Company (TEPCO), Kansai Electric Power Company là các công ty tư nhân tham gia thực hiện các dự án điện hạt nhân nhưng có sự kiểm soát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) về quy định tiêu chuẩn an toàn. Lý do: Nhật Bản có nền kinh tế thị trường mạnh, cho phép tư nhân đầu tư, trong khi đó chính phủ vẫn giữ quyền giám sát sau sự cố Fukushima để đảm bảo an toàn.
Như vậy, hầu hết các nước (Trung Quốc, Nga, Pháp, Hàn Quốc) đều giao cho doanh nghiệp nhà nước vì điện hạt nhân có liên quan đến an ninh năng lượng, chính sách dài hạn và công nghệ nhạy cảm. Một số nước (Mỹ, Nhật Bản) cho phép tư nhân tham gia nhưng vẫn có giám sát chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo an toàn và ổn định tài chính.
Xu hướng chung là nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phát triển điện hạt nhân, dù có sự tham gia của tư nhân trong các khâu nghiên cứu, chế tạo và vận hành.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ngày 17/2, báo cáo tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, Petrovietnam đã thực hiện tới 13 dự án về điện, trong đó có các dự án điện như Nhơn Trạch 3-4, Ô Môn 3-4. Đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, như dự án xuất khẩu các trạm tăng áp ngoài khơi sang châu Âu khối lượng lên tới 16.000 tấn/trạm và sắp tới sẽ đưa vào công trình ở Lô B tới 27.000 tấn, là một trong những công trình có quy mô lớn trên thế giới.
![]() |
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng báo cáo tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận |
“Chúng ta có thể tin tưởng về khả năng thực hiện, với sự giám sát của cơ quan năng lượng quốc tế và kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước. Đề nghị Quốc hội tạo điều kiện thông qua việc thống nhất với Chính phủ cơ chế đặc thù cho các dự án điện hạt nhân để các tập đoàn kinh tế yên tâm thực hiện thành công mục tiêu rất áp lực do Chính phủ đặt ra”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiến nghị.
Trong dự thảo nghị quyết xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ đã đề xuất 7 chính sách đặc thù cho dự án. Tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất bổ sung thêm 5 chính sách và cơ chế, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, di dời, bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án.
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho dự án để làm cơ sở triển khai và tận dụng các điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm hoàn thành mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành trong giai đoạn 2030-2031.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các cơ chế, chính sách đặc thù, do dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô rất lớn, công nghệ phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực hiện ở nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách đặc thù này chưa được quy định hoặc khác với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam nên rất cần phải được Quốc hội thông qua, ban hành nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận thực hiện trong thời gian tới.
Sáng 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 459/460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96.03% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.
Nghị quyết cho phép Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: Triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Nghị quyết cũng quy định thống nhất hình thức lựa chọn nhà thầu cho phép áp dụng là chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu như: Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Phạm vi công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay bao gồm các công việc theo quy định pháp luật xây dựng và các công việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, mua bảo hiểm cho toàn bộ phạm vi thực hiện của hợp đồng (được phép mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có chi nhánh được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam), cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 05 (năm) năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm: lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khoá trao tay; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các báo cáo chuyên ngành theo quy định pháp luật; tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công. Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế.
Nghị quyết chỉ quy định chỉ định thầu cho các gói thầu, công việc có tính đặc thù liên quan đến công nghệ, an toàn hạt nhân, gắn liền và phục vụ trực tiếp cho công tác triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chính.
Đối với việc thực hiện triển khai các dự án thành phần và các công việc khác thuộc dự án nhà máy chính mà các đơn vị trong nước có đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan sẽ phải tuân thủ các hình thức, quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu theo pháp luật đấu thầu hiện hành.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Nghị quyết quy định: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản đã hết khấu hao của các nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu để thực hiện Dự án với mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia”.
Đồng thời, công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần tuân thủ đúng và đầy đủ pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường.
Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư các dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm các dự án đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; đồng thời khẩn trương triển khai dự án. Quản lý, sử dụng vốn, các nguồn lực và các hoạt động khác có liên quan bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn phóng xạ, môi trường theo quy định của Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ chương đầu tư dự án;
Bên cạnh đó, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đàm phán điều ước quốc tế với các đối tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên...