Diễn đàn "Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững" do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm thứ hai triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Đây là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia, các quý vị đại biểu chia sẻ, góp ý đưa ra những chiến lược thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đô thị theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp và nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu về phát triển quy hoạch phát triển đô thị. Ảnh: Hoàng Tùng |
Phát triển Hà Nội thành đô thị xanh toàn diện và bền vững
Phát triển đô thị nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế đô thị là một chỉ dấu kinh tế tích cực. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với nhiều thách thức lớn, gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Khói bụi, tắc nghẽn giao thông và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên là những vấn đề đang được các cấp, ngành, cơ quan chức năng và dư luận đặc biệt quan tâm.
Do vậy, chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững tập trung vào ba trụ cột chính: phát triển không gian xanh, năng lượng tái tạo và giao thông bền vững. Phát triển không gian xanh là việc cam kết tăng cường diện tích cây xanh trong tất cả các dự án phát triển đô thị mới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đều rất quan tâm đến việc phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Do đó, Diễn đàn lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, đồng thời cũng là cơ hội để hiểu sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của phát triển bền vững đối với tương lai của đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tùng |
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để làm được như vậy, thành phố cần thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, xử lý cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường nước, hoàn thành cải tạo sông Tô Lịch, hoàn thiện hạ tầng xử lý rác thải, nước thải,…
Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường, và quản lý năng lượng hiệu quả.
Giao thông xanh là nền tảng.
TS. Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay, nhu cầu năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch (chiếm trên 95% nhu cầu). Trong đó, ngành GTVT đứng vị trí thứ 2, chiếm 16,5% trong các ngành tiêu thụ năng lượng, chỉ sau công nghiệp (54,1%).
Theo ông Hùng, về phát thải khí nhà kính, ngành GTVT chiếm khoảng 18% của toàn ngành năng lượng và vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,77% từ năm 2014 - 2021. Trong lĩnh vực đường bộ, xu hướng sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện nước ta có khoảng 6,3 triệu xe ô tô (tăng 10,01%/năm), 74,3 triệu xe máy (tăng 4,76%/năm). Trong khi đó chỉ có khoảng 2 triệu xe máy điện. Trong lĩnh vực đường sắt hiện có 426 đầu máy, 6244 toa xe. Hàng không có khoảng 250 - 300 tàu bay chở khách và 44 tàu bay chuyên dùng.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định: “Ứng dụng và phát triển công nghệ là một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhất hướng tới xây dựng mạng lưới GTVT xanh”. Ảnh: Hoàng Tùng. |
Trong đó, chú trọng tới chiến lược phát triển, lộ trình và tiềm năng không chỉ ứng dụng năng lượng thay thế (SAF, Hydrogen, Biofuels, Ammoniac,…) trong lĩnh vực GTVT mà còn ứng dụng công nghệ CCS (thu giữ và lưu trữ cacbon trên tàu) cho các tàu đường thủy nội địa và hàng hải. Cải thiện hiệu quả của hệ thống giao thông trong để tiết kiệm nhiên liệu và thời gian di chuyển.
Về dài hạn, nước ta cần quy hoạch phát triển GTVT ở quy mô toàn quốc, vùng, đô thị và theo tuyến; xây dựng mô hình Giao thông quốc gia, vùng, đô thị nhằm lượng hóa và đánh giá khả năng cắt giảm phát thải khí nhà kính theo không gian (toàn quốc, vùng, đô thị, tuyến) và theo thời gian (năm, tháng, ngày, giờ) của các chính sách.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050, ông Khuất Việt Hùng cho rằng cần áp dụng đồng thời 5 nhóm giải pháp. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển phương tiện sử dụng năng lượng xanh và năng lượng thay thế với chuỗi cung ứng. Đồng thời, cần phát triển các mô hình hạ tầng giao thông - vận tải - logistic bền vững, tăng cường quản lý giám sát, phân tích, dự báo và cảnh báo nguy cơ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
Chủ động xây dựng và thực hiện đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Trong bài tham luận của mình, TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu rõ, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các khủng hoảng lớn về môi trường, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) rất được quan tâm và là giải pháp quan trọng để đạt được đô thị xanh trong phát triển đô thị ở các quốc gia.
KTTH là phương thức để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, có trọng tâm giảm khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu, từ đó giảm phát sinh chất thải và các tác động đến môi trường. Do đó, quản lý chất thải rắn theo hướng tuần hoàn là giải pháp quan trọng và cần thiết để phát triển đô thị xanh, bền vững hiện nay.
KTTH thực chất đã được triển khai thực hiện từ lâu ở nước ta. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hầu như chưa đề cập đến sự phát triển KTTH. Từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, KTTH đã được quan tâm, đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2023 cũng như trong các Nghị quyết chuyên ngành về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, về kinh tế tập thể, về năng lượng...
Đánh giá về chung công tác quản lý chất thải rắn đô thị, ông Thắng cho rằng hệ thống văn bản pháp luật đang ngày càng hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo hướng KTTH và là bước tiến quan trọng để thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Đồng thời, Nhà nước đã xây dựng được các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp quốc gia, vùng và quy hoạch tại các địa phương, làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý CTRSH đáp ứng yêu cầu về phân loại CTRSH trên quy mô toàn quốc.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trung Thắng cho biết các địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng, vận hành khu xử lý CTRSH. Ảnh: Hoàng Tùng |
Trên cơ sở đó, ông Thắng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị thúc đẩy quản lý chất thải rắn đô thị theo hướng kinh tế tuần hoàn. Theo ông, các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng và thực hiện đề án quản lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, thực hiện tốt Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế CTRSH, thúc đẩy KTTH cùng các cơ chế, chính sách thực hiện tài chính xanh, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thu gom và tái chế CTRSH.
Quá trình chuyển đổi đô thị luôn gắn liền với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng
Để thực hiện phát triển thành phố xanh, TS. Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, Nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đặt ra ba câu hỏi:
Ông Nguyễn Đức Kiên trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tùng |
Đối với câu hỏi thứ nhất, ông Kiên nhận định, chi phí trong một đô thị rất đắt đỏ so với khu vực nông thôn. Việc đảm bảo xanh hóa với việc ứng dụng năng lượng tái tạo, hay phân rác tại nguồn ở các đô thị mới bao giờ cũng dễ hơn các đô thị cổ được hình thành từ lâu.
Đối với vấn đề thứ hai, tại các khu đô thị mới, khả năng của người dân đóng góp kinh phí vào ứng dụng năng lượng tái tạo, thực hiện môi trường xanh có điều kiện thuận tiện hơn và dễ được người dân chấp nhận trong giá thành của các công trình xây dựng ngay từ đầu khi họ chuyển đến. Còn ở các khu đô thị cũ, việc sử dụng năng lượng tái tạo (điện áp mái) đối với một số nhà có nhiều hộ gia đình độc lập và kết cấu xây dựng của công trình cũ phải cải tạo để tương thích với công nghệ mới đòi hỏi chi phí lớn hơn so với các khu đô thị mới phát triển. Vì vậy, cần phải có chính sách minh bạch ngay từ đầu đối với các dự án phát triển đô thị mới và các khu đô thị cũ với chính sách hỗ trợ phù hợp.
Đối với vấn đề thứ ba, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần có một cách nhìn mới về không gian kinh tế và không gian môi trường, xóa bỏ cách nhìn nhận từ không gian quản lý hành chính. Chúng ta có thể sử dụng các trung tâm năng lượng tái tạo phi tập trung để hỗ trợ các khu đô thị mới, nhưng đứng về góc độ kinh tế thì chi phí xây dựng một trung tâm năng lượng tái tạo ở khu vực không phải đô thị sẽ rẻ hơn khi xây dựng ở trong đô thị do giá đất và các chi phí khác ở trong đô thị đều cao.
Để năng lượng tái tạo trở thành một trong những nguồn lực chính của thủ đô, TS. Nguyễn Đức Kiên đề xuất về cơ chế chính sách dựa trên Luật Thủ đô sửa đổi đã trao quyền cho Thành phố Hà Nội. Theo đó, ông nêu rõ, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội cần xây dựng và ban hành các chính sách, thủ tục pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư hay chủ các tòa nhà có thể chủ động thuận tiện trong việc đầu tư điện áp mái hay năng lượng xanh cho từng căn nhà của mình.
Hà Nội cần chủ động ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm dân dụng tiêu thụ điện được bán trên thị trường Thủ đô. Các nhà sản xuất phải áp dụng các tiêu chuẩn này khi cung cấp sản phẩm điện tiêu dùng ở khu vực Thủ đô, nếu không sẽ phải chịu một mức phí chuyển đổi năng lượng. Ngoài ra, cần xây dựng giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo và cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, các hộ tiêu thụ điện riêng lẻ đầu tư công nghệ lưu trữ điện.
Kết hợp mô hình Kinh tế Xanh, Kinh tế tuần hoàn và Kinh tế số
Thủ đô Hà Nội, với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững. Đặc biệt, khi Hà Nội hướng đến mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo và phát triển xanh trong những năm tới, việc kết hợp mô hình Kinh tế Xanh, Kinh tế tuần hoàn và Kinh tế số sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Đức Tài - Giám đốc điều hành Viện Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Luật Pháp khẳng định, mặc dù Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển mô hình Kinh tế Xanh, Kinh tế tuần hoàn và Kinh tế số, nhưng quá trình chuyển đổi này cũng gặp phải một số thách thức về cơ sở hạ tầng. Việc triển khai các giải pháp công nghệ số đòi hỏi một cơ sở hạ tầng vững chắc, từ hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu đến các thiết bị thông minh. Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và phát triển các công nghệ hiện đại để phục vụ cho sự chuyển đổi số.
Đi kèm với đó là giải pháp về chính sách và quản lý, theo ông cần có một hệ thống chính sách rõ ràng và hiệu quả để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia vào quá trình phát triển Kinh tế Xanh và Kinh tế số. Các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học sẽ giúp thúc đẩy sự chuyển đổi này.
"Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển đô thị thông minh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và số hóa mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực này, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững và trở thành một đô thị mẫu mực trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đổi số" - TS. Nguyễn Đức Tài nêu rõ.
Tại diễn dàn, các vị đại biểu tham dự đã đề xuất các chính sách về quy hoạch, giao thông, tài nguyên năng lực trong phát triển môi trường đô thị xanh theo hướng bền vững.
PGS.TS. Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá XIII nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp. Bà cho rằng, giống với đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng mong muốn Nhà nước có thể tạo sự đột phá bằng cách xây dựng hệ thống quản trị thủ đô xanh cho thủ đô Hà Nội theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Hoàng Tùng - Hương Duyên