Sinh viên Khoa Tự động hoá, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội tham quan tại Nhà máy Nestle Bông Sen. |
Nhà trường luôn là cầu nối sinh viên với doanh nghiệp
Nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc kết nối sinh viên với doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thị trường lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mối quan hệ hợp tác giữa trường và doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về yêu cầu thực tế của nghề nghiệp mà còn tạo cơ hội để các em tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Thông qua các chương trình thực tập, tuyển dụng trực tiếp và các dự án nghiên cứu, nhà trường giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế, từ đó dễ dàng hòa nhập vào công việc sau khi ra trường. Đồng thời, việc duy trì mối quan hệ với doanh nghiệp cũng giúp nhà trường cập nhật xu hướng, yêu cầu mới của thị trường lao động, từ đó điều chỉnh chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Trường Điện - Điện tử, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, trong những năm qua đã làm tốt vai trò kết nối sinh viên với doanh nghiệp thông qua các hoạt động thiết thực, nổi bật là tổ chức nhiều chuyến tham quan nhà máy (Factory Tour) cho sinh viên. Những chuyến tham quan này không chỉ giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, hiểu rõ hơn về các công nghệ tiên tiến mà còn tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia, kỹ sư trong ngành. Thông qua đó, sinh viên không chỉ học hỏi được kiến thức chuyên môn mà còn nắm bắt được yêu cầu thực tế của công việc, từ đó có những định hướng nghề nghiệp rõ ràng và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Những Factory Tour này chính là minh chứng cho sự chủ động của nhà trường trong việc tạo ra cơ hội thực tế cho sinh viên, giúp họ hòa nhập nhanh chóng vào môi trường làm việc sau khi ra trường.
Thầy Phạm Văn Long - Giảng viên khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện tử chia sẻ tại buổi trò chuyện của sinh viên cùng đại diện Nestle Bông Sen. |
Thầy Phạm Văn Long - Giảng viên khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện tử chia sẻ: Trong những năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung và Trường Điện - Điện tử nói riêng luôn tạo cầu nối để các sinh viên ứng tuyển tới doanh nghiệp trong các Ngày hội việc làm (Job Fair) tại trường cũng như các Factory tour.
Factory Tour giúp sinh viên phát triển thêm các kỹ năng mềm và tiếng Anh, bên cạnh nền tảng kiến thức chuyên môn tốt học được tại trường. Cụ thể khi ra trường vào làm việc tại công ty, các bạn cần có kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt, chủ động nắm bắt vấn đề và đề xuất giải pháp, bảo vệ và hiện thực ý tưởng đem lại hiệu quả cho công ty. Tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp sẽ rất quan trọng để khẳng định kiến thức chuyên môn của mình trong môi trường quốc tế hóa hiện nay.
Chuyến trải nghiệm vào ngày 12/12 tại Công ty Nestle Bông Sen của hơn 30 sinh viên và thầy cô của Khoa Tự động hóa Trường Điện – Điện tử được đánh giá là một chuyến đi thành công khi các em không chỉ được tiếp cận thực tế sản xuất, khám phá những ứng dụng tiên tiến của tự động hóa trong hoạt động vận hành tại một tập đoàn hàng đầu thế giới mà còn mở ra những cơ hội việc làm chất lượng.
Doanh nghiệp trao cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên
Chị Lê Thị Ngọc Phượng – Trưởng Phòng Nhân sự tại Nestlé Bông Sen chia sẻ: Nestlé Bông Sen hiện có hơn 200 lao động, trong đó tỉ lệ nhân viên có trình độ tay nghề cao, đặc biệt trong lĩnh vực tự động hóa chiếm phần lớn trong tổng số lao động kỹ thuật tại nhà máy. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác đào tạo cán bộ hiện tại cũng như chuẩn bị lực lượng cán bộ nguồn cho tương lai.
|
Nestlé luôn chú trọng đến các chương trình đào tạo và phát triển nhân tài. Một ví dụ điển hình là các chương trình Factory Tour được tổ chức thường xuyên cho sinh viên. Những chuyến tham quan này không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá các công nghệ tiên tiến mà còn thu hút sự quan tâm từ nguồn nhân lực trẻ. Đồng thời, từ góc nhìn của nhà trường, đây là cơ hội để sinh viên trải nghiệm thực tế, hiểu rõ cách ứng dụng công nghệ họ đang học vào sản xuất, và làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp trong tương lai.
Nhà máy Bông Sen đã duy trì hoạt động Factory Tour trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, chương trình tuyển dụng chính thức như Management Trainee được triển khai với quy trình kéo dài 5-6 tháng. Các ứng viên trúng tuyển sẽ trải qua 18 tháng học tập và phát triển kỹ năng chuyên môn cũng như năng lực quản lý trước khi sẵn sàng đảm nhận các vị trí quan trọng.
Trưởng Phòng Nhân sự tại Nestlé Bông Sen cũng khẳng định: Nestlé luôn chào đón các bạn sinh viên gia nhập "gia đình Nestlé". Tại đây, các bạn không chỉ có một công việc mà còn có cơ hội xây dựng sự nghiệp lâu dài. Phát triển con người và phát triển nhân tài luôn là ưu tiên hàng đầu.
Một trong những kim chỉ nam của Nestlé là: We put people first. Nestlé không chỉ tập trung vào việc áp dụng công nghệ hiện đại mà còn đầu tư vào việc phát triển toàn diện năng lực chuyên môn và lãnh đạo cho nhân viên ở mọi vị trí.
"Nestlé khuyến khích các bạn sinh viên tự tin thể hiện khả năng của mình và không ngừng học hỏi. Chúng tôi mong muốn các bạn trở thành những nhân tố quan trọng trong hành trình phát triển của Nestlé" - Trưởng Phòng Nhân sự tại Nestlé Bông Sen khẳng định.
Sinh viên phải chuẩn bị những gì để trở thành "nhân tố" quan trọng của nhà tuyển dụng?
Anh Huỳnh Đăng Bảo Khoa - cựu sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM đã có 18 năm công tác tại Nestlé, hiện là Giám đốc nhà máy Nestle Bông Sen. |
Trò chuyện cùng sinh viên trong buổi trải nghiệm mới đây của sinh viên Khoa tự động hóa tại Nestlé Bông Sen, anh Huỳnh Đăng Bảo Khoa - Giám đốc nhà máy Nestle Bông Sen cho biết, anh là cựu sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM. Năm 2006, anh tham gia chương trình quản trị viên tập sự, tính đến nay đã 18 năm làm việc tại Nestle. Bắt đầu ở nhà máy Đồng Nai, nơi sản xuất Maggi, Nescafe, Milo và nhiều sản phẩm khác. Sau đó làm chuyên viên về cà phê trong 5 năm tại nhà máy Đồng Nai, rồi chuyển đến nhà máy Bến Tre, nơi đầu tiên sản xuất Milo Martini - chính là sản phẩm Milo hiện nay. Năm 2017, anh chuyển sang Nam Phi làm việc với vai trò là quản lý sản xuất. Đến năm 2019, anh làm quản lý nhà máy ở Mose Bay, thuộc vùng Western Cape, Nam Phi. Sau 6 năm làm việc tại đây, anh trở về Việt Nam vào năm ngoái và hiện tại đang làm việc tại Nestlé Bông Sen.
|
Chia sẻ về chương trình Thực tập sinh tài năng (Management Trainee) của Nestlé, anh Khoa nhấn mạnh: "Dù bạn chọn Nestlé, Pepsi hay Coca-Cola, tôi tin rằng đa số các bạn đều muốn tham gia chương trình này vì các bạn hiểu rằng đây là một chương trình xuất sắc, nơi các công ty toàn cầu lớn đều đầu tư rất nhiều. Phần lớn những người tham gia chương trình MT đều sẽ trở thành nhà quản lý".
Trả lời câu hỏi của sinh viên về thách thức lớn nhất khi tham gia chương trình Thực tập sinh tài năng, anh Khoa lấy dẫn chứng về ba thách thức lớn mà bản thân đã gặp phải trong thời gian làm việc. Anh Khoa cho biết: Thách thức lớn đầu tiên tôi gặp đó là khả năng giao tiếp tiếng Anh. Tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM và tiếng Anh của tôi lúc đó chỉ ở mức giao tiếp cơ bản. Khi bắt đầu làm việc tại Nestle, tôi bị sốc vì phải giao tiếp với nhiều lãnh đạo từ các quốc gia như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp. Tôi gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý tưởng Qua 18 năm, tôi hy vọng thế hệ sau sẽ cải thiện tốt hơn về tiếng Anh, nhưng thực tế, tôi vẫn thấy sự tiến bộ chưa đáng kể, đặc biệt ở sinh viên các trường kỹ thuật. Nếu bạn không có khả năng tiếng Anh tốt, rất khó để tham gia chương trình quản trị viên tập sự MT.
Thách thức thứ 2 là kỹ năng lắng nghe. Anh Khoa chia sẻ, lúc còn trẻ, tôi cũng kiêu ngạo, muốn chứng minh bản thân mà không thực sự lắng nghe. Sếp yêu cầu làm việc nọ việc kia tôi đồng ý nhưng lại làm theo hướng khác. Lắng nghe không chỉ quan trọng trong chương trình MT, mà còn cần thiết khi bạn làm ở cấp quản lý.
|
Thách thức thứ ba là kỹ năng đặt câu hỏi. Khi nghe và hiểu vấn đề, nhiều người không biết cách đặt câu hỏi để làm rõ. Thói quen này xuất phát từ văn hóa học tập ở Việt Nam, nơi chúng ta được khuyến khích trả lời nhanh mà không đặt câu hỏi. Điều này dẫn đến nhiều sai sót khi làm việc. Đặt câu hỏi đúng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, hiểu rõ yêu cầu và nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp.
Ngoài 3 kỹ năng nêu trên, anh Khoa cho rằng, khi tham gia phỏng vấn trong chương trình MT, mỗi sinh viên cần bổ sung hai yếu tố quan trọng khác: Thứ nhất, hãy chuẩn bị, tự tin và khiêm tốn. Sự tự tin đến từ việc chuẩn bị kỹ lưỡng, kiến thức và kinh nghiệm. Bạn cần tự tin thể hiện ý kiến và sẵn sàng thử thách người khác. Tuy nhiên, bạn cũng cần khiêm tốn, biết lắng nghe, nhường cơ hội cho đồng đội và không cố gắng thắng mọi cuộc tranh luận. Thứ hai, hãy luôn "đói" và "khiêm nhường". “Đói” ở đây nghĩa là khao khát học hỏi và phát triển. “Khiêm nhường” nghĩa là biết tôn trọng người khác, lùi lại khi cần thiết và hỗ trợ đồng đội phát triển.
Đoàn sinh viên và thầy cô Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đại diện Tạp chí Tự động hoá Ngày nay, Công ty Nestlé Bông Sen chụp ảnh lưu niệm . |
Kết thúc chuyến thăm quan Nhà máy, nhiều sinh viên bày tỏ thích thú về những trải nghiệm khi được "nhìn tận mắt, sờ tận tay" những thiết bị máy móc, những dây chuyền sản xuất thực tế mà trước đây mới chỉ được tiếp cận trên sách vở.
Sinh viên Vũ Hải Hoàng – K65, Khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện Tử cho biết: Chuyến tham quan nhà máy đã giúp em có cái nhìn thực tế về cách một nhà máy hiện đại vận hành, với hệ thống tự động hóa tiên tiến và các thiết bị công nghệ cao. Em đặc biệt ấn tượng khi được trực tiếp quan sát quy trình sản xuất hoàn chỉnh, từ khâu đầu vào đến khi cho ra đời sản phẩm hoàn thiện. Điều này không chỉ khơi dậy sự hứng thú mà còn giúp em nhận thấy mối liên hệ sâu sắc giữa kiến thức chuyên ngành và thực tế sản xuất.
"Em nhận thấy chương trình Management Trainee là một cơ hội hấp dẫn, giúp sinh viên như em thử thách bản thân và rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Em rất mong muốn được tham gia chương trình này và hy vọng có thể phát triển sự nghiệp lâu dài tại Nestlé" - Sinh viên Vũ Hải Hoàng chia sẻ.
Nhà trường đóng vai trò là chiếc cầu nối vững chắc giữa sinh viên và doanh nghiệp, không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng mà còn mở ra những cơ hội nghề nghiệp thực tế, giúp sinh viên vững bước vào thị trường lao động. Những hoạt động như Factory Tour, thực tập sinh, và hợp tác nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của việc kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và trải nghiệm thực tế.
Điển hình như sự hợp tác giữa Khoa Tự động hóa, Trường Điện - Điện tử và Công ty Nestlé Bông Sen, sinh viên không chỉ được tiếp cận công nghệ tiên tiến mà còn học hỏi những kỹ năng quan trọng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của cả nhà trường và doanh nghiệp trong việc xây dựng một hệ sinh thái giáo dục và nghề nghiệp bền vững.
Tương lai, việc mở rộng và đẩy mạnh mối quan hệ này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân sinh viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
Công ty Nestlé Bông Sen, thuộc tập đoàn Nestlé toàn cầu, được thành lập vào ngày 18/05/2017 với tổng vốn đầu tư lên đến 103 triệu USD trên diện tích 10,4 ha. Đây là nơi làm việc của nhiều kỹ sư trưởng xuất sắc, từng là cựu sinh viên ngành Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhà máy đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Khoa Tự động hóa thông qua các hoạt động tài trợ cho Lễ hội Tốt nghiệp hàng năm, học bổng, ngày hội việc làm (Job Fair) và nhiều chương trình ý nghĩa khác. Đặc biệt, chương trình Thực tập sinh tài năng (Management Trainee) của Nestlé là cơ hội hấp dẫn dành cho các sinh viên ngành Tự động hóa, nhằm phát triển đội ngũ nhân lực trẻ tài năng cho dây chuyền sản xuất hiện đại của nhà máy. Chương trình không chỉ mang lại cơ hội phát triển chuyên môn mà còn đi kèm mức đãi ngộ cạnh tranh, với lương thực tập sinh từ 1.000 USD trở lên và mức lương nhân viên chính thức lên đến 1.700 USD. |