“Chuyển đổi số trong nông nghiệp: con đường để tiến về phía trước của Việt Nam” là chủ đề của hội thảo được Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng tổ chức với sự hợp tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 9/11 tại Hà Nội.
•Robot và AI sẽ đưa Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững
•Ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp
Tại Việt Nam nông nghiệp được coi là trụ cột của nền kinh tế, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ mang đến cơ hội tăng năng suất, nâng cao tính bền vững và đa dạng hoá sinh kế cho nông dân sản xuất. Việc sử dụng các công cụ và công nghệ số hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của những giống cây trồng chủ lực của Việt Nam. Những tiến bộ này rất quan trọng để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh
Ông Thomas Jacobs – Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào và Campuchia đánh giá sự thành công của nông nghiệp Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì tính cạnh tranh bằng những sản phẩm chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc và bền vững thông qua chuỗi cung ứng hiệu quả. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần phải nhanh chóng bắt kịp lộ trình tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, vì đây là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của cả nước.
Giảm phát thải, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ giúp hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và mang lại sinh kế bền vững. Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải methan từ sản xuất lúa gạo, và đảm bảo không sản xuất cà phê ở những khu vực rừng đã bị tàn phá. Để đạt được các mục tiêu này công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp sẽ là giải pháp căn bản, đi kèm với những giải pháp về đổi mới sáng tạo và nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, theo ông Thomas Jacobs, các hộ nông dân nhỏ chiếm đa số tại Việt Nam, thách thức trong việc triển khai các công nghệ và phương pháp sản xuất mới, giải quyết các tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị.
Ông Thomas Jacobs cho biết đang nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam giúp người nông dân sản xuất lúa gạo và các mặt hàng nông sản quan trọng, áp dụng các công cụ kỹ thuật số và phương thức canh tác thông minh với khí hậu để tăng sản lượng và giảm chi phí.
Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế đang đầu tư vào các công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị nông nghiệp, như công nghệ bảo quản giúp kéo dài thời gian sử dụng của nông sản, các công nghệ thông minh điện tử hướng dẫn nông dân tối ưu hóa việc cho cá ăn, nền tảng kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng thông qua bán lẻ trực tuyến và giúp khách hàng áp dụng những sáng kiến này thông qua các dịch vụ tư vấn.
Thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam
Bà Carrie Turk – Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, đóng góp 12% GDP và gần 30% việc làm. Mặc dù nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong vài thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cần giải quyết như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn chưa phát triển; quy mô ứng dụng công nghệ còn nhỏ (chưa đến 8% hợp tác xã ứng dụng công nghệ số đến một mức độ nào đó); nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của người nông dân còn thấp; doanh nghiệp nông nghiệp chưa đầu tư nhiều vào chuyển đổi số; khả năng tiếp cận tài chính của nông dân vẫn còn hạn chế. Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.
Đồng quan điểm trên bà Trần Thị Lan Hương đến từ Ngân hàng Thế giới cho biết: Nền nông nghiệp của Việt Nam nói riêng cũng như nông nghiệp trên thế giới nói chung đều gặp phải những khó khăn, thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu như ngập lụt, xâm nhập mặn, diện tích đất ngày càng suy giảm. Đồng thời việc đô thị hóa và diện tích canh giảm đi. Sự thay đổi về lực lượng lao động, cơ cấu về lao động, dân số, xu thế hiện nay người tiêu dùng thay đổi về quan điểm với các sản phẩm nông nghiệp carbon thấp, sản phẩm xanh, sạch. Đây chính là những thách thức cho người sản xuất nông nghiệp cũng như các đơn vị, các công ty phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.
Nhiều công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp
Bà Trần Thị Lan Hương cho biết các quốc gia uy tín của Châu Âu hay Trung Quốc, Ấn Độ, một số quốc gia đã phát triển tương đối về nông nghiệp thông minh đều cho thấy việc thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong canh tác đều tăng năng suất lao động, tăng thu nhập của nông dân cũng như góp phần đảm bảo cho phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.
Tỷ trọng nông nghiệp số trong những năm gần đây đã tăng hơn 10%/1 năm và dự kiến trong thời gian tới tỷ trọng nông nghiệp số từ 18 tỷ USD năm 2022 sẽ tăng gần 30 nghìn USD trong năm 2027.
Theo bà Hương, trong khi chúng ta đang nói đến công nghiệp 4.0 thì các nhà nghiên cứu cũng đã phân loại ra với lĩnh vực nông nghiệp 5.0. Từ năm 1990 trở lại đây việc ứng dụng các công nghệ ví dụ như thiết bị cảm biến, máy bay không người lái, khoa học sinh học, sinh học công nghệ, điện toán đám mây, sử dụng hình ảnh vệ tinh hay dữ liệu lớn để thay đổi phương thức sản xuất. Đây là những phương thức sản xuất nông nghiệp đã được ứng dụng ở rất nhiều các quốc gia phát triển và họ đã hiện đại hoá nền nông nghiệp của mình.
Nói đến nông nghiệp 5.0 nhiều quốc gia đã sử dụng máy bay không người lái hay trí tuệ nhân tạo trong phương thức sản xuất nông nghiệp, hoặc sản xuất nông nghiệp theo chiều thẳng đứng, thay vì trước đây chỉ là canh tác nông nghiệp ở vùng nông thôn thì hiện nay có thể canh tác nông nghiệp ở vùng đô thị, ở các khu nhà cao tầng.
Bà Carrie Turk cũng nêu lên những thành tựu công nghệ số có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp như: công nghệ nông nghiệp chính xác để tạo ra sản phẩm tốt hơn, chất lượng cao hơn như máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh và hệ thống GPS có thể được sử dụng cho nông nghiệp chính xác; hệ thống truy xuất nguồn gốc số hoá cho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các công nghệ kỹ thuật số như cảm biến, nền tảng điển tử và chuỗi khối có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc từ đấu đến cuối của toàn chuỗi cung ứng của các sản phẩm nông nghiệp; nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy lưu thông hàng hoá và tăng thu nhập cho người nông dân; hệ thống thanh toán kỹ thuật số giúp mở rộng dịch vụ tài chính, các nền tảng thương mại điện tử giúp kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng, cho phép nông dân bán sản phẩm trực tuyến mà không cần qua trung gian. Điều này không chỉ làm giảm chi phí giao dịch mà còn giúp nông dân thu được lợi nhuận cao hơn; AI sáng tạo trong nông nghiệp mang đến những cơ hội hiếm có thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp tái tạo. AI có thể tận dụng để cung cấp kiến thức cho nông nghiệp và hỗ trợ người nông dân.
Giải pháp cho nền nông nghiệp Việt
Theo Bà Carrie Turk, để khai thác tối đa lợi ích của công nghệ kỹ thuật số, Chính phủ, khu vực tư nhân, nông dân, học giả và các chuyên gia phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Tìm hiểu các chính sách và công cụ khả thi tại Việt Nam đồng thời học hỏi kinh nghiệm quốc tế để phát triển hơn nữa nền nông nghiệp nước nhà trong tương lai.
Còn theo bà Trần Thị Lan Hương Chính phủ nên tạo lập các cơ sở dữ liệu, chia sẻ các cơ sở dữ liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp về đất, về khí hậu, về thổ nhưỡng,… các cơ sở dữ liệu này được chia sẻ với nhau. những cơ sở này được thu thập từ người nông dân, các công ty cũng như các địa phương để tạo dữ liệu có giá trị của từng vùng. Các khu vực sẽ có đặc tính về thổ nhưỡng khác nhau để có phương thức canh tác khác nhau. Đầu tư xây dựng cơ quan đăng ký dữ liệu duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu và dữ liệu mở, tăng cường năng lực số.
Đối với nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, cần tăng cường xây dựng mạng lưới; thúc đẩy truy cập và sử dụng dữ liệu; áp dụng công nghệ trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Đối với nhà cung cấp công nghệ nông nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng nông nghiệp với dữ liệu; quảng bá chia sẻ các giải pháp về ứng dụng công nghệ đột phá; quan tâm đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và bản địa hoá dữ liệu.
Đỗ Phương